400 ca ghép tế bào gốc được thực hiện tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ

Minh Đức, icon
06:10 ngày 21/01/2020

VTV.vn - Sau 13 năm triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc, đến nay Viện Huyết học - Truyền máu TƯ đã thực hiện được 400 ca ghép, là đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất tại Việt Nam

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương không chỉ là một cơ sở y tế chuyên tiếp nhận những ca bệnh về máu, đơn vị này còn phát triển mạnh mẽ kỹ thuật ghép tế bào gốc - vốn cần đến các chuyên gia có tay nghề cao và chuyên sâu. Sau 13 năm triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc, đến nay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 400 ca ghép, là đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất tại Việt Nam.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, từ năm 2006, Viện bắt đầu triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc, với hàng trăm ca ghép được thực hiện, Viện trở thành đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất và có chất lượng tại Việt Nam.

Năm 2014, Viện thành lập Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Chỉ mấy tháng sau thành lập, Viện đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn không cùng huyết thống. Đây là sự kiện mở ra hi vọng cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu mà không có người hiến tế bào gốc phù hợp.

TS Khánh cho biết hiện Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ trên 4.000 mẫu phục vụ cho ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu và các bệnh lý liên quan khác.

Được biết, vào tháng 12/2019 vừa qua, Văn phòng Công nhận chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định số 1020-2019/QĐ-VPCNCL công nhận Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phù hợp theo ISO 15189:2012 với danh mục các chỉ tiêu xét nghiệm gồm: Xác định HLA, xác định kháng thể HLA và định lượng CD34.

Ngân hàng Tế bào gốc là đơn vị thứ 4 của Viện được nhận chứng chỉ này (sau Khoa Xét nghiệm Sàng lọc máu, Khoa Tế bào Tổ chức học, Khoa Di truyền – Sinh học phân tử) và là phòng xét nghiệm thứ 112 trên toàn quốc được nhận chứng chỉ.

Vơi chứng chỉ này, Ngân hàng Tế bào gốc sẽ được giám sát định kỳ hằng năm để đánh giá sự phù hợp với các yêu cầu về chất lượng và năng lực như được công nhận. ISO 15189:2012 là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế. Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và ISO 9001, ngoài ra bổ sung thêm các yêu cầu riêng về đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực thử nghiệm y tế.

ISO 15189 bao gồm 15 yêu cầu về quản lý và 10 yêu cầu kỹ thuật liên quan đảm bảo chất lượng trong hoạt động xét nghiệm như: năng lực, tay nghề cán bộ xét nghiệm; kiểm soát điều kiện môi trường; kiểm soát thiết bị xét nghiệm; công tác chuẩn bị trước khi xét nghiệm; kiểm soát quá trình thực hiện xét nghiệm; trang thiết bị; chất lượng của kết quả xét nghiệm…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Cùng chuyên mục