70% số người mắc đái tháo đường chưa được điều trị

Minh Đức, icon
10:00 ngày 25/09/2018

VTV.vn - Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, trung bình cứ 8 người trưởng thành ở Việt Nam sẽ có 1 người bị tiểu đường.

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận… Người đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp hai lần. Người mắc đái tháo đường tuýp 2 nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng của bệnh.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có 11.000 trạm y tế xã/phường nhưng năng lực quản lý, điều trị đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn rất hạn chế. Bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Hiện trên thế giới có 9,1% số người mắc và dự tính đến năm 2045 sẽ tăng lên 11,7%.

Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc đái tháo đường, tương đương 6% dân số trưởng thành. Trung bình cứ 8 người sẽ có 1 người trưởng thành ở Việt Nam bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Trong đó, ngành y tế mới quản lý được 28,9%, còn 68,9% số người chưa được phát hiện và có tới hơn 70% số người chưa được điều trị. Để quản lý và điều trị đái tháo đường hiệu quả, cần tăng cường năng lực cho y tế cơ sở là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế. Tuy nhiên, y tế cơ sở vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong triển khai nội dung này. Hiện nay, tại các trạm y tế xã hướng dẫn quản lý đái tháo đường chưa được cập nhật theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chung đã được Bộ Y tế ban hành.

Đặc biệt, hầu hết trạm y tế đều đang thiếu thuốc trong danh mục, đặc biệt các thuốc điều trị đái tháo đường. Việc Isulin – một loại thuốc điều trị đái tháo đường cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cũng không được sử dụng tại trạm y tế xã là một hạn chế để y tế tuyến cơ sở thu hút người dân đến điều trị.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2019, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường; đến năm 2020, ít nhất 40% trạm y tế điều trị, quản lý đái tháo đường.

Tuy nhiên hiện nay, y tế cơ sở chỉ có thể quản lý và điều trị cho những bệnh nhân mắc đái tháo đường ổn định, chưa có hoặc có biến chứng nhẹ, thời gian bị đái tháo đường dưới 10 năm hoặc đã có phác đồ điều trị rõ ràng, ổn định. Vì thế, để có thể điều trị Isulin tại tuyến y tế cơ sở đạt hiệu quả và an toàn, cần tăng cường đào tạo cho nhân viên y tế, cung cấp các loại thuốc tốt và sự hỗ trợ của tuyến trên.


Cùng chuyên mục