Bé gái bị điện giật từ dây sạc điện thoại

P.V, icon
04:50 ngày 07/06/2024

VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa cấp cứu kịp thời cho trường hợp bé N.H.B.V. (10 tuổi, trú tại thị xã Phú Thọ) bị điện giật từ dây sạc điện thoại.

Thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Sau khi phát hiện, người nhà đã nhanh chóng gọi cấp cứu đến Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh. Qua điện thoại, các bác sĩ hướng dẫn người nhà sơ cứu ban đầu, đồng thời khẩn trương cho xe cấp cứu của trung tâm đến đón bệnh nhi.

​Bệnh nhi đến viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, kích thích, đau ngực trái, run tay chân 2 bên. Kip hồi sức cấp cứu nhanh chóng xử trí bệnh nhi thở oxy, truyền dịch và làm các cận lâm sàng cần thiết.

Sau 30 phút hồi sức tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định, tỉnh táo, không khó thở, không đau ngực, các chỉ số sinh tồn về mức bình thường.

Theo các bác sĩ, các thiết bị sạc điện thoại thường có bộ phận đổi điện áp, có đầu ra điện áp rất thấp. Tuy nhiên, nếu dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi, thì vẫn có thể gây nguy hiểm, việc này cũng đã được cảnh báo nhiều lần trên các kênh thông tin đại chúng.

Đối với trẻ nhỏ, vốn rất hiếu động, hay nghịch ngợm và tò mò, tai nạn liên quan đến sạc điện thoại xảy ra không hiếm, chủ yếu do các bé nghịch sạc điện thoại vẫn cắm vào nguồn điện hoặc do cầm điện thoại chơi khi đang sạc.

Để tránh những tai nạn thương tâm và đáng tiếc xảy đến với trẻ nhỏ liên quan đến điện, cha mẹ cần lưu ý:

- Luôn luôn rút sạc ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng, ổ cắm điện phải có thiết bị che bảo vệ.

- Không để bé chơi điện thoại trong khi đang sạc pin.

- Đặt điện thoại đang sạc ở xa tầm với của bé.

- Đảm bảo dây sạc được đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách.

- Nhà có trẻ nhỏ cha mẹ cần luôn có người trông coi, theo dõi thật cẩn thận.

Đối với các trường hợp trẻ bị bỏng điện, cần tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) một cách nhanh nhất có thể, nếu trẻ bị nạn ở trên cao thì phải bố trí đỡ trẻ khi bị rơi và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát.

Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi (nếu có) bị nặng thêm.

Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ. Gia đình chỉ nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi trẻ đã được sơ cấp cứu ban đầu.

Chỉ tiến hành xử trí vết bỏng điện khi trẻ không có rối loạn toàn thân, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng, chỉ nên rửa sạch vết bỏng và phủ gạc sạch lên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục