Bệnh lý xương, khớp: Tập phục hồi chức năng hết sức quan trọng

Nguyệt Ánh, icon
08:26 ngày 07/07/2013

 Đối với các bệnh lý về xương khớp, kể cả bệnh nhân phải phẫu thuật hay không phẫu thuật thì việc tập luyện, phục hồi chức năng cũng hết sức quan trọng.

Bệnh được cải thiện phụ thuộc nhiều vào quá trình luyện tập, phục hồi chức năng với nhiều giai đoạn, kéo dài nhiều tháng tùy theo nhu cầu vận động của bệnh nhân. Tốt nhất, việc phục hồi có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ điều trị và bác sĩ phục hồi chức năng.

PGS.TS. Ngô Văn Toàn, Phó GĐ viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết: “Khi đau khớp, tư thế của người bệnh luôn ở tư thế giảm đau, chống đau, co gấp lại. Tuy nhiên, nếu không vận động, tay chân sẽ bị co gấp không bình thường, người bệnh đi lại khó khăn. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, cần tập luyện sao cho gối duỗi, gấp và cơ lực khỏe, đó là vai trò của phục hồi chức năng.

Đối với những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật, phục hồi chức năng luôn phải gắn chặt với quá trình phục hồi của bệnh nhân. Tất cả những bệnh nhân mổ chỉnh hình, mổ khớp, chỉnh sửa sau chấn thương đều phải có phục hồi chức năng hỗ trợ".

‘ Luyện tập phục hồi chức năng đòi hỏi sự kiên trì, lâu dài. (Ảnh minh họa)

Ngay sau giai đoạn viêm cấp, người mắc bệnh lý về xương khớp cần tập vận động càng sớm càng tốt. Từ tập thụ động chuyển sang tập chủ động, xen kẽ thời gian tập và thời gian nghỉ để các khớp thích nghi dần. Đây là biện pháp hữu hiệu chống teo cơ, cứng khớp hay dính khớp, bảo vệ và duy trì chức năng vận động của khớp. Đối với bệnh thoái hóa khớp gối, khi vận động nên tránh làm tăng chịu lực lên khớp gối, tránh các tư thế gấp gối quá mức, đi bộ ngắn, đường bằng phẳng hạn chế lên xuống cầu thang, tập khớp gối mà chủ yếu không để khớp gối chịu lực. Với bệnh nhân sau phẫu thuật vẹo cột sống, việc tập luyện còn liên quan đến phổi.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, GĐ viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết: “Phổi của người bệnh khi môt cột sống thường bị xẹp lại, do đó cần phải thổi bóng để phổi được phồng lại bình thường, từ đó bệnh nhân sẽ không cảm thấy chóng mệt nữa”.

‘ Tránh vận động quá nặng đối với bệnh nhân đang điều trị các bệnh về khớp gối, khớp háng... (Ảnh minh họa)

Lưu ý khi tập, nếu thấy đau, cần nghỉ hoặc giảm cường độ, hết đau lại tập tiếp. Các khớp chịu trọng lượng của cơ thể như khớp gối, khớp cột sống, khớp háng, khớp cổ chân... cần được tập chủ yếu ở tư thế nằm hoặc ngồi. Bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn cách tập cho từng khớp cụ thể. Tập vận động các khớp cần được duy trì liên tục và phải trở thành một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi những hình ảnh trong chương trình sống khỏe để tìm hiểu kỹ hơn vai trò của phục hồi chức năng các bệnh xương khớp.



Cùng chuyên mục