Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng

Minh Đức, icon
10:05 ngày 12/10/2018

VTV.vn - Biến đổi khí hậu không chỉ mang đến thiên tai mà còn kéo theo nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, tiêu chảy và tay chân miệng.

Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nếu khí hậu thay đổi theo kịch bản đã dự đoán trước, nhiệt độ nước ta được dự báo sẽ tăng khoảng 1,9 - 2,4 độ C vào năm 2100. Bên cạnh đó, mực nước biển sẽ dâng trung bình 58cm. Nếu khí hậu thay đổi tiêu cực, nhiệt độ nước ta có thể tăng tới 3,3 - 4 độ C, nước biển dâng trung bình là 78cm, dao động từ 52 - 107 cm. Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 40% đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập vĩnh viễn. Nhiệt độ tăng kéo theo hàng loạt vấn đề thiên tai phức tạp, khó dự đoán như mưa bình quân năm tăng trên cả nước. Số lượng cơn bão mạnh sẽ gia tăng trong tương lai, số ngày nắng nóng tăng, hạn hán sẽ khốc liệt hơn.

Sức khỏe con người là một trong những yếu tố chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Cục Quản lý môi trường y tế cũng cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện. Khi nhiệt độ tăng 1 độ C, số trẻ em nhập viện tăng 3,4 - 4,6%, nguy cơ mắc sốt xuất huyết cũng tăng từ 7 - 11% và nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng tăng 5,6%.

Cụ thể hơn, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển của loài muỗi, làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết, sốt rét... Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm. Thống kê cho thấy, hàng năm Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong. Nguyên nhân khiến xuất hiện các bệnh mới nổi và tái nổi là do biến đổi khí hậu, môi trường. Một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đang phát triển mạnh tại Việt Nam như: Lao, sốt xuất huyết, sốt rét…

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng cho rằng, có sự liên quan mật thiết giữa một số bệnh dịch phát hiện trên người và các tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây. Trong đó, nổi cộm là các bệnh như: Thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, mất ngủ, kém ăn, chóng mặt, nhức đầu…, nhất là các bệnh truyền nhiễm ghi nhận ngày một nhiều do nhiệt độ tăng cao.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tác động do biến đổi khi hậu đến sức khỏe con người và tài sản sẽ rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam không nên chỉ tập trung vào chuẩn bị hay ứng phó mà cần giải pháp đồng bộ như lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, khi phát triển các dự án đầu tư phải xác định đến rủi ro của biến đổi khí hậu và thời tiết.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục