Bộ Y tế thông tin cụ thể những thay đổi giá dịch vụ y tế

Lê Thạch, icon
09:50 ngày 29/06/2018

VTV.vn - Sáng nay, Bộ Y tế đã có buổi họp báo thông tin về việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó có thông báo thay đổi về giá dịch vụ y tế.

Cụ thể, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37.

Những thay đổi đáng chú ý về giá dịch vụ y tế trong thông tư số 15 như sau:

Điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật gồm:

- Điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và TYT xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.

- Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm.

- Bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật: người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được BHXH thanh toán.

- Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi): theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính trong giá của 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng; làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT

Về giá các loại vật tư, hóa chất để tính giá dịch vụ:

Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các bệnh viện, cả trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương; không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định trên cơ sở 2 vòng: vòng thứ nhất so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trúng thầu cao hơn, thấp hơn trên 25%, chỉ giữ lại các giá trúng thầu cao hơn hoặc thấp hơn dưới 25% để tính mức giá trung bình, làm cơ sở tính chi phí và quyết định mức giá.

Như vậy, ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng.

Về chi phí của giường bệnh có tay quay đối với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I:

Hiện nay, phần lớn các bệnh viện có nhà cửa được đầu tư khang trang nên sử dụng giường I nốc sẽ không phù hợp và tương xứng, thực tế nhiều bệnh viện đã sử dụng đa số loại giường này, chỉ còn một số ít khoa, phòng chưa sử dụng. Ngân sách nhà nước không cấp để mua giường nên Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị phải sử dụng 3-5% số thu tiền khám bệnh, ngày giường để mua bổ sung, thay thế bằng loại giường nhựa có tay quay cho đồng bộ. Đối với các bệnh viện hạng II trở xuống do chưa có điều kiện trang bị nên vẫn tính theo giường i-nốc.

Theo Bộ Y tế: Việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các Bệnh viện tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được NSNN bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục