Bỏng - Nỗi ám ảnh đáng sợ đối với trẻ em

Mai Lê, icon
01:23 ngày 14/04/2019

VTV.vn - Hiện nay, tai nạn bỏng vẫn thường xuyên xảy ra do sự bất cẩn của người lớn, cộng với việc không biết cách sơ cứu bỏng đúng cách khiến nhiều trẻ nhập viện bị biến chứng.

Theo thống kê hàng năm, trên thế giới tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà ở của trẻ em và cũng là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ. Khác với người lớn, trẻ em khi bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp.

Điều đáng nói, khi trẻ bị bỏng, nhiều phụ huynh chủ quan không sơ cứu đúng cách hoặc không đưa trẻ đến điều trị tại các cơ sở y tế để được cấp cứu mà tự ý điều trị tại nhà khiến trẻ gặp phải những hậu quả đáng tiếc.

Chị Nguyễn Thị Thu (trú tại huyện Ma Đ’rắk, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: Chị bất cẩn để con mới 15 tháng tuổi bò nghịch làm đổ phích nước khiến bé bị bỏng từ đùi xuống chân. Lúc này, sực nhớ ra mọi người hay trị vết bỏng bằng kem đánh răng nên chị cũng lấy bôi cho con rồi đắp lá trị bỏng theo kinh nghiệm. Sau đó, vết bỏng ở chân bé không những không lành mà còn mưng mủ, quấy khóc. Chị đưa bé đi bệnh viện thì các bác sĩ cho biết bé bị nhiễm trùng do điều trị bỏng không đúng cách.

Còn Chị H’ Thị Ly (trú tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) có 17 tháng tuổi đang phải nằm điều trị bỏng tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên hơn 20 ngày. Chị cho hay: hôm đó bà nội quét rác rồi gom đốt ngoài sân, lúc cả nhà đang nghỉ trưa thì nghe tiếng bé khóc thét, chạy ra thấy 2 chân bé bị bỏng nặng do đi vào đống rác đang cháy dở. Gia đình lập tức đưa bé đi bệnh viện cấp cứu và điều trị.

Theo bác sĩ Trần Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, tai nạn thương tích bỏng nếu xảy ra ở trẻ em thường rất nguy hiểm và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Bỏng ở trẻ em dù diện tích nhỏ nhưng thương tích do bỏng gây đau đớn, làm trẻ dễ hoảng sợ và có thể bị sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thậm chí là tử vong. Triệu chứng đau sẽ làm trẻ rối loạn tính tình, suy mòn, suy giảm khả năng đề kháng.

Đặc biệt về tâm sinh lý, đau gây cho trẻ nỗi sợ hãi, rối loạn tình cảm, tạo nên trạng thái hốt hoảng, quấy khóc, ngủ kém, sợ tiếp xúc... Da của trẻ em mỏng nên khi bị bỏng dễ bị các thương tích sâu hơn người lớn như tổn thương tận cơ, xương, mạch máu, thần kinh... Tùy cấp độ bỏng nặng hay nhẹ mà di chứng để lại cho trẻ sẽ khác nhau. Đối với vết bỏng nặng sẽ gây cho trẻ những biến chứng nghiêm trọng, nặng nhất là các sẹo co rút, ảnh hưởng đến sự vận động của trẻ; thậm chí có trẻ phải cắt cụt chi, cứng khớp... làm biến dạng cơ thể, gây tàn phế suốt đời.

Cũng theo bác sĩ Trần Minh Trực, khi trẻ bị bỏng, phụ huynh cần lưu ý phải tiến hành sơ cứu ngay cho trẻ bằng cách lập tức nhúng vùng bỏng vào nước mát, ngâm trong vòng 15-20 phút rồi băng nhẹ vết bỏng bằng gạc đã vô trùng. Đây là cách sơ cứu hiệu quả nhất. Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào vết bỏng và tuyệt đối không được bôi thoa bất kỳ chất, hóa chất hoặc thuốc nào vào vết thương khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ và nhanh chóng đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ do bỏng, người lớn cần nâng cao hiểu biết, phòng tránh những nguy cơ có thể gây bỏng cho trẻ. Cụ thể, chú ý bố trí bếp nấu ăn hợp lý, đặt bếp nấu ở chỗ cao ngoài tầm tay với đến của trẻ. Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn. Không để dụng cụ đựng nước nóng, đồ vật nóng trong tầm tay với của trẻ hoặc trên đường đi lại của trẻ. Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật dễ cháy, nổ như xăng, ga, cồn... sử dụng các dụng cụ đựng nước nóng an toàn, để xa tầm tay của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý thường xuyên trông nom, để mắt đến trẻ mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trẻ nhỏ đang trong độ tuổi tò mò hiếu động, tuyệt đối không được chủ quan vì chỉ cần lơ là, bé có thể bị bỏng bất cứ lúc nào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục