Cần tuân thủ điều trị khi mắc bệnh tăng nhãn áp

Mai Lê, Quang Nhật, icon
01:47 ngày 16/10/2022

VTV.vn - Tăng nhãn áp (Glaucoma) là bệnh thường gặp. Đây là căn bệnh gây mù lòa đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới sau đục thủy tinh thể.

Nếu không phát hiện và điều trị bệnh tăng nhãn áp kịp thời, thị lực sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng.

Theo bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng Khoa Khám - Cấp cứu - Cận lâm sàng, Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk, bệnh tăng nhãn áp là một nhóm các bệnh rối loạn ở mắt có liên quan gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Hầu hết, bệnh tăng nhãn áp có liên quan đến áp suất bên trong mắt cao hơn bình thường.

Bác sĩ Linh cho biết: "Nếu chúng ta không phát hiện và điều trị bệnh tăng nhãn áp kịp thời, thị lực sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng. Càng để lâu, bệnh càng diễn biến tồi tệ hơn, gia tăng nguy cơ mù lòa cho người bệnh. Bên cạnh đó, cuộc sống, sinh hoạt của bệnh nhân cũng bị đảo lộn, thay đổi trầm trọng do các triệu chứng của bệnh gây ra".

Ngày nay, tỷ lệ người mắc bệnh và đối mặt với biến chứng trên có xu hướng tăng nhanh. Khi mắc bệnh, hầu hết các triệu chứng bệnh tăng nhãn áp thường không rõ ràng, chính vì thế bệnh nhân hay chủ quan, không kịp thời phát hiện, điều trị trong giai đoạn đầu. Chỉ đến khi bệnh phát triển nặng, lúc việc đó điều trị gặp nhiều khó khăn, không đem lại hiệu quả cao.

Tăng nhãn áp là bệnh mạn tính nên quá trình điều trị bệnh kéo dài đến suốt đời. Do đó, có không ít bệnh nhân điều trị được 1 thời gian tự ý bỏ điều trị, sau khi bệnh nhân quay trở lại khám và điều trị thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, tổn thương vĩnh viễn thần kinh của mắt, không phục hồi được.

"Khác với bệnh đục thủy tinh thể, mắt có thể sáng lại sau khi phẫu thuật, tăng nhãn áp bắt đầu phát hiện và điều trị ở giai đoạn, thời điểm nào thì sẽ điều trị để giữ mắt ở thời điểm đó. Hiện nay, tỷ lệ người dân mắc bệnh tăng nhãn áp trong cộng đồng rất cao nhưng vì bệnh diễn tiến âm thầm nên người dân không phát hiện và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh nhân mắc tăng nhãn áp, nhất là trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua, bệnh nhân không tái khám được và tự ý bỏ điều trị khiến bệnh chuyển biến nặng, mắt gần như không còn nhìn thấy gì", bác sĩ Linh chia sẻ.

Một điều đáng lo lắng là hiện nay, có không ít người dân bị đau mắt, đỏ mắt, đặc biệt riêng tại tỉnh Đắk Lắk, số lượng bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng rất nhiều do dị ứng thời tiết và người dân không đi cơ sở y tế khám mà tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt sử dụng, trong đó có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Khi lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid mắt sẽ bị tăng nhãn áp và thực tế thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị tăng nhãn áp nhập viện điều trị do lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid gia tăng nhiều hơn, nhất là trẻ em.

Tăng nhãn áp là bệnh không thể chữa khỏi và không tự phục hồi. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn các tổn thương thị lực. Mục tiêu điều trị là làm giảm nhãn áp để ngăn ngừa mất thị lực. Do đó, để phòng bệnh tăng nhãn áp, người dân nên đi khám định kỳ mắt thường xuyên giúp phát hiện nguyên nhân tăng nhãn áp trong giai đoạn đầu, trước khi biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia y tế, nên khám mắt toàn diện sau mỗi 5 đến 10 năm nếu dưới 40 tuổi; 2-4 năm ở độ tuổi từ 40 đến 54; 1-3 năm từ 55 đến 64 tuổi; sau 1-2 năm khi trên 65 tuổi. Đối với các bệnh nhân đã mắc bệnh cần tuân thủ điều trị, tuyệt đối không bỏ điều trị để tránh tổn thương mất vĩnh viễn thị lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục