Cảnh báo: Nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người già khi giao mùa

Lê Thạch, icon
10:20 ngày 22/11/2018

VTV.vn - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa phát đi cảnh báo về sự thay đổi thời tiết khiến cơ thể con người, nhất là người già không thích ứng kịp dẫn tới các biến chứng tim mạch

Các bác sĩ tiến hành can thiệp cấp cứu bệnh nhân.

Đơn cử như bệnh nhân Đ.T.L. ( 98 tuổi, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau, khó chịu ở vùng ngực, đôi khi lan dần xuống vai trái và cánh tay.

Với các triệu chứng trên, cùng với kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 6 kèm nguy cơ phù phổi cấp... Sau hơn 2 giờ can thiệp tái thông dòng máu ở động mạch vành, đặt stent. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Hay bệnh nhân N.V.T. (98 tuổi, trú tại Thanh Miện, Hải Dương) được chuyển cấp cứu từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, tím tái, mạch và huyết áp giảm, điện tim biến đổi thất thường, men tim tăng cao.

Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng có nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ, đã can thiệp tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc, đặt stent cho bệnh nhân. Ca can thiệp kéo dài gần 1 giờ. May mắn bệnh nhân được cứu sống.

Theo ThS.BS Lý Đức Ngọc - Phó Khoa Nội tim mạch người lớn, đây là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân cao tuổi và bị nhồi máu cơ tim rất nặng được các bác sĩ cấp cứu thành công. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi mạch vành bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hay mảng xơ vữa tích tụ làm tổn thương tắc nghẽn sự lưu thông dòng máu nuôi dưỡng cơ tim. Thời gian vàng để người bệnh bị nhồi máu cơ tim được can thiệp cấp cứu kịp thời từ 30 phút đến một giờ. Tuy nhiên, bệnh nhân càng đến bệnh viện sớm, khả năng hồi phục và cứu sống càng cao.

Còn theo GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc bệnh viện, thời tiết giao mùa đôi khi trở thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch, bởi những biến chứng nguy hiểm dễ dàng xảy ra như huyết áp tăng, đột quỵ... Đặc biệt ở những người đứng tuổi có bệnh mạn tính, sự thay đổi thời tiết sẽ làm bệnh nặng lên.

GS.TS Lê Ngọc Thành lưu ý: những bệnh nhân tim mạch cần được theo dõi định kỳ, đặc biệt là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Khi khí hậu thay đổi, khí áp không ổn định, lúc đó tim sẽ đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu oxy. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn. Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu, vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.

Người cao tuổi, người tiền sử bệnh tim mạch nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày đặc biệt là bữa sáng. Chú ý ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, ăn nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối và mỡ trong chế biến món ăn; Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, chủ động khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì… nhằm kiểm soát sức khỏe tốt…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục