Cảnh báo suy đa tạng từ thuốc "gia truyền" trộn tân dược

P.V, icon
01:00 ngày 31/08/2021

VTV.vn - Bệnh viện Trung ương Quận đội 108 vừa có cảnh báo liên quan đến việc người dân tự ý sử dụng các loại thuốc trôi nổi phải nhập viện cứu cấp.

Gói thuốc và kết quả xét nghiệm độc chất, bệnh nhân T. uống chữa đau khớp mất ngủ. Ảnh: BVCC

Đau khớp, mất ngủ kéo dài, bệnh nhân T. 80 tuổi, được người cháu mua thuốc "gia truyền" cho uống, vài ngày sau nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Nhãn loại thuốc mà bệnh nhân uống, ghi "Thuốc gia truyền chủ trị nhức mỏi, đau lưng, tê bại, thấp khớp, thần kinh tọa, đau thận, ăn được, ngủ được", thành phần gồm: quế khâu, cam thảo, nhân trần, táo tào, nghinh hương... Uống được vài ngày, bệnh nhân run chân tay, nôn mửa, choáng váng, mệt mỏi, toát mồ hôi, tiểu ít, huyết áp tụt, cấp cứu tại Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Khi vào viện, bệnh nhân nguy kịch, mạch rất chậm (20 lần/phút), huyết áp có lúc không đo được, nguy cơ ngừng tim, suy gan, suy thận tăng. Các bác sĩ phải đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và lọc máu cấp cứu ngay tức thì cho bệnh nhân.

May mắn, sau một ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại và hồi phục nhịp tim. Xét nghiệm gói thuốc bệnh nhân dùng cho thấy có chứa paracetamol (một loại thuốc giảm đau hạ sốt hay dùng) với hàm lượng cao, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy gan thận của bệnh nhân.

Cảnh báo suy đa tạng từ thuốc gia truyền trộn tân dược - Ảnh 1.

Thuốc đông y quảng cáo làm từ cây "Bách bệnh", bệnh viện xét nghiệm phát hiện có trộn thuốc tây. Ảnh: BVCC

Cũng nằm tại Khoa Hồi sức tim mạch, bệnh nhân P., 65 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận mạn, gút mạn. Bệnh nhân nhập viện tuyến trước rất nhiều lần, điều đáng chú ý là càng nằm viện, bệnh tình càng nặng lên.

Sau khi điều tra kỹ, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân P. giấu gia đình, tự ý mua và dùng thuốc "Bách bệnh" chữa đau xương khớp 2 năm nay. Do vậy, mỗi lần nhập viện do không được dùng thuốc "Bách bệnh" nên bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng cai thuốc.

Gói thuốc được gửi đến Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, kết quả kiểm tra cho thấy có rất nhiều thành phần corticoid bên trong với hàm lượng cao. Nhờ điều trị tích cực đúng nguyên nhân, tình trạng suy tim, mệt mỏi của bệnh nhân được cải thiện.

Đây là hai trong nhiều trường hợp dùng thuốc "trôi nổi", không được kiểm định, phải cấp cứu tim mạch kèm các tổn thương suy gan, thận, mà các bác sĩ khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận gần đây. Bệnh nhân vào viện đều trong tình trạng rất nặng ở cả tim, gan, thận, cần các biện pháp can thiệp tích cực mới cứu được tính mạng.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Thuốc đông y là những bài thuốc lành tính, hiệu quả nếu như liều lượng phù hợp với thể trạng từng người và được kiểm định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện trên thị trường tràn lan những loại thuốc được quảng bá "gia truyền", "nhà tôi ba đời" "chữa bách bệnh" mà không cần phải khám bệnh trực tiếp.

Cảnh báo suy đa tạng từ thuốc gia truyền trộn tân dược - Ảnh 2.

Bệnh nhân P. tiến triển tốt sau thời gian điều trị. Ảnh: BVCC

Những loại thuốc này, thành phần có chứa các loại thuốc giảm đau chống viêm, thường chỉ làm thuyên giảm các triệu chứng mà không điều trị được căn nguyên, gốc rễ của bệnh. Vì vậy, dùng các loại thuốc này sẽ không phù hợp với thể trạng cụ thể của từng người bệnh.

Đặc biệt, những loại "đông y gia truyền bách bệnh" này thường trộn thêm các thuốc tây thế hệ cũ của 20 - 30 năm trước với rất nhiều tác dụng phụ, thậm chí hiện bị cấm sử dụng, do vậy dễ dẫn đến ngộ độc cho người dùng lâu dài.

Với quan niệm thuốc đông y làm từ thảo dược, người bệnh có xu hướng dùng thuốc kéo dài mà không có sự kiểm soát của thầy thuốc, dẫn đến phụ thuộc thuốc, nghiện thuốc, tổn thương hệ nội tiết cùng các cơ quan khác một cách âm thầm, mạn tính, thậm chí có thể không bao giờ phục hồi.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc đi lại khám chữa bệnh của người dân càng khó khăn, thay vào đó là sự nở rộ của bán hàng qua mạng (online) cũng là điều kiện thuận lợi cho các thuốc đông y không rõ nguồn gốc len lỏi, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.

"Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, kê toa sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc, được kiểm định chất lượng, liều kê rõ ràng" - các bác sĩ khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục