Cảnh báo tai nạn bỏng ở trẻ nhỏ

Văn Thành, icon
02:00 ngày 15/09/2020

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị bỏng và di chứng bỏng nhập viện.

Trẻ bị bỏng nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên (Ảnh: BVCC).

Đơn cử là trường hợp bệnh nhi 31 tháng tuổi, tình trạng dính 3 chi 3,4,5 và có màng xơ hóa. Căn nguyên do bé bị bỏng nước sôi lúc 8 tháng tuổi, gia đình không đưa bé đi viện mà điều trị bằng phương pháp đắp lá, bó thuốc…

Một trường hợp khác là bệnh nhi 11 tháng tuổi bị bỏng cháo. Sau tai nạn, gia đình đã đưa bệnh nhi vào viện và được các bác sĩ xử trí cấp cứu.

Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ trong khi chơi nghịch rất dễ gặp phải tai nạn như ngã, bỏng, bị dị vật vào mắt… Mỗi loại tai nạn gây ra những vết thương khác nhau và cần có cách sơ cứu khác nhau.

Các bác sĩ Khoa Ngoại nhi hướng dẫn các bậc phụ huynh sơ cứu vết thương khi trẻ bị bỏng:

Cắt nguồn gây bỏng: Đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng (nước sôi); dập tắt lửa trên người bé (bỏng lửa: bằng cách để trẻ đứng/nằm yên, phủ vải dày/mền bằng chất liệu bông, len, dạ lên bé để dập lửa, lăn bé trên sàn nhà để lửa tắt hẳn; đổ chất lỏng không bắt lửa lên người bé nếu có để dập lửa).

Làm mát vết bỏng: mở vòi nước cho chảy chầm chậm trên vết bỏng 15-20 phút (không dùng nước đá, nước trong tủ lạnh để rửa vết bỏng).

Đắp khăn dấp nước mát (25 - 35 độ C) lên vết bỏng rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Các phụ huynh chú ý: công đoạn làm mát vết bỏng bằng nước là việc cần nhất khi bé bị bỏng; nhẹ nhàng tháo bỏ những đồ vật cứng như vòng, giày… ra khỏi vùng bị bỏng trước khi vết bỏng phù nề. Không cố gắng cởi bỏ quần áo của bé khi bé bị bỏng vì có thể gây tổn thương da vùng bỏng.

Đặc biệt, nếu trẻ bị bỏng vùng hầu họng do uống phải hóa chất hãy gọi cấp cứu và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục