Cảnh giác với bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Võ Quỳnh (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
03:31 ngày 03/03/2022

VTV.vn - Một trong những bệnh đường ruột thường gặp ở trẻ chính là bệnh tiêu chảy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ bị tiêu chảy cần được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Ảnh: Quang Nhật

Mệt mỏi vì thức chăm con, chị N.T.H, mẹ của bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: "Vợ chồng tôi đi làm nên gửi cháu cho ông bà nội. Nghe bà bảo cháu mấy hôm nay bị đau bụng, ngày đi ngoài 3 - 4 lần. Cũng chủ quan nghĩ do cháu ăn gì lạ bụng tôi ra tiệm thuốc gần nhà lấy thuốc về cho cháu uống. Nhưng càng lúc cháu càng bị nặng hơn, người lả đi. Lo sợ, gia đình tôi phải đưa cháu vào viện. Ở đây, sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, cháu đã đỡ hơn rất nhiều, gia đình đã yên tâm hơn".

Thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đang còn chủ quan về bệnh tiêu chảy khi trẻ mắc bệnh và có những sai lầm trong việc tự ý chữa trị. Trong đó, sai lầm phổ biến nhất là tâm lí nôn nóng khi thấy trẻ đi ngoài nhiều lần, nhiều cha mẹ đã tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy.

Bên cạnh đó, có gia đình cũng sử dụng các bài thuốc dân gian như cho uống nước lá ổi, nước lá chè xanh, tự ý sử dụng kháng sinh... đã làm cho tình trạng bệnh của trẻ diễn biến xấu đi, gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Nhiều trường hợp trẻ được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh đã nặng.

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Biểu hiện đầu tiên của bệnh tiêu chảy ở trẻ em là khi trẻ nhũ nhi có số lần đi ngoài nhiều gấp 2 lần bình thường, còn với trẻ lớn hơn là đi ngoài trên 3 lần/ngày, phân lỏng hoặc toàn nước, mùi hôi tanh, mệt mỏi, quấy khóc nhiều, nôn…

Ngoài việc theo dõi, cha mẹ không nên chủ quan, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để xác định đúng bệnh, đúng nguyên nhân. Khi nhận thấy trẻ có một trong các dấu hiệu như: Trẻ không ăn uống được và bỏ bú, đi phân lỏng nhiều lần có máu kèm theo nôn ói, sốt... nên đưa ngay đến cơ sở y tế. Nếu để tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ bị kiệt sức, sốc mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn tri giác, suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Minh, nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng tiêu chảy ở trẻ là nhiễm trùng đường ruột do virus, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra. Các trường hợp nhiễm trùng này là thường là do ăn thức ăn hoặc uống nước đã bị nhiễm khuẩn từ phân hoặc trực tiếp từ người mắc bệnh. Bên cạnh đó, một số thói quen như không thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, bảo quản thực phẩm kém vệ sinh, ăn thực phẩm ôi thiu, sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh... cũng có thể là tác nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em.

Khi trẻ mắc tiêu chảy, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải bù lại lượng nước đã mất. Phương pháp bù nước bằng đường uống là tốt nhất. Ngay khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống oresol pha theo đúng chỉ định hướng dẫn, 1 gói pha trong đúng 1 lít nước đun sôi để nguội, loại gói nhỏ pha với 200 ml nước; nếu trong 24 giờ không uống hết dung dịch đã pha thì đổ đi pha dung dịch khác.

Tiếp tục cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú) và chú ý dùng thức ăn loãng, dễ tiêu hóa như: cháo thịt, súp... và chia thành nhiều bữa nhỏ. Tuyệt đối không được bắt trẻ kiêng ăn. Không sử dụng các thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ uống có gas và thức ăn quá ngọt…

Để phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em, bác sĩ Minh khuyến cáo: Các bậc cha mẹ nên thực hiện tốt việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Cho trẻ ăn dặm đúng cách, hợp vệ sinh và đầy đủ các chất (đạm, béo, đường, hoa quả). Sử dụng nước sạch, ăn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản đúng quy cách. Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và cho trẻ ăn, hoặc sau khi trẻ đi tiêu. Tiêm chủng đầy đủ, uống vaccine ngừa tiêu chảy do Rotavirus...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục