Cấy chỉ - bước tiến mới của kỹ thuật châm cứu

Tuấn Bảo, icon
01:59 ngày 13/02/2021

VTV.vn - Cấy chỉ là phương pháp mới của châm cứu, là đưa chỉ tiêu (catgut) vào huyệt châm cứu của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài.

Theo chia sẻ của BSCKI. Võ Ngọc Minh, Khoa Y Học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện quận 11 (TP.HCM), cấy chỉ kích thích các huyệt phù hợp giúp cơ thể tự điều chỉnh các rối loạn và trong thời gian các sợi chỉ tiêu dần dần tại các huyệt giúp duy trì tác dụng kích thích lâu dài trên các huyệt.

Cấy chỉ được ứng dụng rộng rãi trong phòng bệnh, điều trị và phục hồi chức năng; được áp dụng cho nhiều loại bệnh và nhiều độ tuổi khác nhau.

Người bệnh được chỉ định cấy chỉ khi có bệnh mạn tính; sau liệu trình điều trị bằng châm cứu, ra viện chờ liệu trình điều trị tiếp theo.

Những ưu điểm của cấy chỉ

- Thực hiện thủ thuật nhanh, trung bình 1 lần khoảng 30 phút.

- Ít đau vì sử dụng kim nhỏ.

- Nếu bệnh nhân sợ đau thì bác sĩ sử dụng thuốc tê xịt vào huyệt trước khi thực hiện cấy chỉ.

- Có hiệu quả trong phòng bệnh, điều trị, phục hồi chức năng.

- Do kích thích vào huyệt đạo liên tục, thời gian dài (15 - 20 ngày) nên cấy chỉ đã tạo được hiệu quả điều trị cao hơn châm cứu truyền thống.

- Tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân do lần điều trị tiếp sau cách lần trước 15 - 20 ngày, nên bệnh nhân đỡ phải đi lại và không phải nằm viện, có thể điều trị ngoại trú tại nhà hoặc tại cơ sở y tế.

- Là phương pháp trị bệnh không dùng thuốc nên không gây phản ứng phụ gì nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

- Đợt điều trị có thể một lần hay nhiều lần tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh chính và các bệnh khác kèm theo, tùy vào thể trạng của bệnh nhân.

- Đợt điều trị cơ bản từ 4 - 6 lần tùy loại bệnh.

Cấy chỉ hỗ trợ điều trị được những bệnh gì?

- Hệ thần kinh: Đau đầu, đau nửa đầu, mất ngủ, đau thần kinh vai gáy, đau thần kinh cánh tay, đau thần kinh tọa, đau thần kinh do zona, liệt các dây thần kinh ngoại biên và các trường hợp liệt khác: di chứng sau bại liệt ở trẻ em, di chứng liệt sau tai biến mạch máu não (đột quỵ), di chứng liệt sau chấn thương cột sống, chứng run tay chân của bệnh parkinson...

- Hệ tiêu hóa: Viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt, sa dạ dày, trĩ nội.

- Hệ hô hấp: Bệnh hen phế quản nhẹ và vừa, viêm phế quản co thắt, viêm họng, viêm amidan, ...

- Hệ xương khớp: Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau xương khớp do phong thấp, thoái hoá khớp lớn và vừa (thoái hóa khớp gối, khớp khuỷu tay...), nhược cơ.

- Hệ sinh dục - tiết niệu: Đái dầm, đái không tự chủ, di tinh, liệt dương, phì đại tiền liệt tuyến, rối loạn kinh nguyệt, thống kinh, vô sinh.

- Bệnh ngũ quan: Sụp mi mắt, suy giảm thị lực, ù điếc tai, viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng...

- Các rối loạn chuyển hóa, cơ địa dị ứng, giảm đau do ung thư, giảm béo, giảm béo bụng sau sinh đẻ...

Không nên cấy chỉ trong các trường hợp nào?

- Các trường hợp bệnh lý thuộc diện cấp cứu, ngoại khoa.

- Người có sức khỏe yếu, thiếu máu, có tiền sử hoặc mắc bệnh tim.

- Cơ thể ở trạng thái không thuận lợi như: vừa lao động xong, mệt mỏi, đói, ...

- Tăng huyết áp kịch phát, đang sốt cao.

- Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh.

- Những bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut.

Những biểu hiện sau khi cấy chỉ là gì?

- Tùy thể trạng từng người, có thể mệt mỏi hoặc đau tại chỗ cấy chỉ 1 - 3 ngày.

- Một số ít bệnh nhân sau khi điều trị trong thời gian từ 4 - 24 giờ thì xuất hiện tăng nhiệt độ cơ thể, nói chung khoảng trên dưới 38 độ C và kéo dài 1 - 3 ngày thì trở lại bình thường.

Để mang lại hiệu quả cao trong điều trị, người bệnh cần chú ý:

- Khi đi cấy chỉ: Không ăn quá no, không quá đói, không lao động thể lực quá sức, không quá mệt mỏi, không uống rượu; không uống nước ngọt có gas, chè đặc, cà phê đặc.

- Nên ngồi nghỉ ngơi tại chỗ trước khi điều trị và cần tắm rửa trước khi đến điều trị. Để tiện cho việc điều trị, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi.

- Sau khi cấy chỉ: Người bệnh cần nghỉ tại phòng khám 10 - 15 phút.

- Có thể tắm rửa 6 - 8 giờ sau khi cấy chỉ.

- Người già, người tàn tật, trẻ em cần có người nhà đưa đón đến phòng khám.

- Cần mang theo kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, phim X-quang, đơn thuốc đang điều trị (nếu có) để thầy thuốc tham khảo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục