Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa theo kịp tốc độ già hóa dân số?

Thủy Nguyễn, icon
06:31 ngày 13/10/2016

VTV.vn- Mặc dù tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới nhưng hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho người già được cho là chưa có sự chuyển đổi phù hợp.

Ảnh minh họa.

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam đã liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây.

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Bộ Y tế tổ chức, PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số. Năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số.

Mặc dù tại Việt Nam tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới nhưng hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chưa có sự chuyển đổi phù hợp. Hiện, cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa. Khoa Lão vừa điều trị bệnh vừa điều trị phục hồi chức năng cho người cao tuổi nên không chỉ cần thuốc men, trang thiết bị y tế mà cả chế độ dinh dưỡng, luyện tập cũng phải được lưu ý.

Trao đổi với VTV News, GS.TS. Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương - cho rằng Việt Nam cần có những biện pháp chiến lược để thích ứng với tình trạng già hóa dân số ngày một tăng như hiện nay. "Với người cao tuổi, ít nhiều các cơ quan chức năng trong cơ thể sẽ bị suy giảm nên cách điều trị, chăm sóc sẽ có sự khác biệt. Người cao tuổi chủ yếu mắc các bệnh mãn tính và có thể mắc đồng thời nhiều bệnh. Như tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương có bệnh nhân mắc đồng thời 5 bệnh nên việc chữa trị đòi hỏi thời gian lâu dài và người bệnh phải được theo dõi thường xuyên" - GS.TS. Phạm Thắng chia sẻ.

"Hiện nay vấn đề cần chú trọng là việc kiểm soát các bệnh mãn tính ở người cao tuổi. Vì vậy cần phải cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh cũng như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi. Thêm vào đó, muốn chăm sóc tốt sức khỏe cho người cao tuổi cũng cần sự thay đổi từ cộng đồng trong việc đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc. Chúng ta nên có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân và toàn thể xã hội chung tay cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi" - GS.TS. Phạm Thắng trao đổi thêm.

Theo một cuộc điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2011, hơn 60% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu và cần được chăm sóc. Người cao tuổi Việt Nam thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trong đó các bệnh thường gặp là: mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, tắc nghẽn mạch phổi, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ…

Bên cạnh đó, hiện nay có khoảng 60% người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế, nghĩa là 40% còn lại sẽ phải chi trả hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh, trong khi chi phí khám chữa bệnh đang ngày một tăng.

Trước thực trạng này, việc xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Y tế là cần thiết. Đề án được triển khai sẽ tăng khả năng tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi và tạo môi trường thân thiện xung quanh người cao tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục