Chủ động tầm soát đề phòng biến chứng bệnh đái tháo đường

Kim Oanh - Đình Thi, icon
07:53 ngày 26/11/2020

VTV.vn - Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường nhưng chưa được phát hiện trong cộng đồng còn rất cao. Việc tầm soát phát hiện sớm giúp hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường), là bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Trong giai đoạn mới phát hiện, người bệnh thường đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và khát nước nhiều.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới có thể tăng 54% từ đây đến năm 2030.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20 - 79) mắc bệnh đái tháo đường, nhưng có tới hơn 60% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân…

Bệnh đái tháo đường có thể diễn biến trong nhiều năm, chẩn đoán không ra cho đến khi có biến chứng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Bệnh đái tháo đường là "kẻ giết người" thầm lặng vì diễn biến âm thầm của bệnh làm cho người bệnh dễ chủ quan. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng có thể gây nên các biến chứng đe dọa tính mạng, làm suy yếu sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ.

Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2020 đã khám và điều trị cho hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường. Trong số đó có 10 - 15% chuyển sang giai đoạn biến chứng, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém.

Nếu trước đây, chỉ những người lớn tuổi mới có nguy cơ bị đái tháo đường cao, thì ngày nay, bệnh này có tỷ lệ ngày càng gia tăng ở người trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống kém lành mạnh như sử dụng quá nhiều đường và chất béo, không bổ sung đầy đủ chất xơ, hạn chế vận động…

Bác sĩ Cao Hữu Vinh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp cho biết: Về cơ chế sinh bệnh, đái tháo đường do tuyến tụy không tiết hoặc tiết không đủ insulin. Căn cứ vào mức độ tuyến tụy tiết insulin, người ta chia thành 2 loại đái tháo đường: Đái tháo đường type 1 là loại tụy không tiết insulin vì vậy phải đưa insulin từ ngoài vào (tiêm insulin) hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin. Đái tháo đường type 2 là loại tụy vẫn tiết insulin nhưng không đủ để chuyển hóa đường, loại này còn được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Đái tháo đường type 2 chiếm 90% các trường hợp bị đái tháo đường.

Ngoài ra, còn một số bệnh nhân trong quá trình mang thai bị đái tháo đường gọi là đái tháo đường thai kỳ, loại này sau khi sinh đường huyết sẽ ổn định.

Biến chứng đái tháo đường gồm biến chứng cấp tính và mãn tính. Biến chứng cấp tính làm cho người bệnh hạ đường huyết, nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu như tiểu nhiều, uống nhiều, đói nhiều, sụt cân, mệt mỏi, lơ mơ, hôn mê, suy hô hấp, có thể co giật, tăng axit lactic…Các biến chứng mãn tính thường tập trung vào hai nhóm chính: Biến chứng mạch máu lớn (bệnh tim mạch, bệnh mạch máu ngoại biên, mạch máu não) và biến chứng mạch máu nhỏ (biến chứng mắt, thận, thần kinh). Nguyên nhân chính gây tử vong trong đái tháo đường là bệnh mạch vành, bệnh thận giai đoạn cuối. Biến chứng mắt là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.

Nhiều người không biết mình bị mắc bệnh cho đến khi tình cờ khám bệnh mới phát hiện, có những bệnh nhân thậm chí đã xuất hiện biến chứng. Vì vậy, những người người trên 45 tuổi, nhất là những người thừa cân hay béo phì, người ít vận động, có bố hay mẹ đẻ bị đái tháo đường. Sinh con to, cân nặng lúc sinh của đứa trẻ lớn hơn 4 kg hoặc đã được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ. Bị tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang, đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết khi đói, có tiền sử bị các bệnh về mạch máu nên khám tầm soát bệnh đái tháo đường.

Bệnh nhân đái tháo đường hoàn toàn có thể sống bình thường và hạn chế tối đa ảnh hưởng của các biến chứng nếu kiểm soát tốt ngay từ giai đoạn đầu. Tuy vậy, đái tháo đường là bệnh có diễn biến âm thầm. Vì thế, tầm soát đái tháo đường là cách hữu hiệu để phát hiện bệnh ngay từ các dấu hiệu đầu tiên.

Các bác sĩ cũng lưu ý: Trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Nên hạn chế sử dụng thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá, chất kích thích… Đồng thời, tập luyện thường xuyên và giữ tinh thần lạc quan để quá trình điều trị đạt hiệu quả. Tốt nhất hãy chú ý triệu chứng của bệnh đái tháo đường để sớm ngăn chặn và giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực mà bệnh gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục