Chủ quan khi mắc bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn tới suy đa tạng

Ban Khoa giáo, icon
06:45 ngày 20/08/2018

VTV.vn - Môi trường mùa hè nóng bức, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết lây lan nhanh chóng và nếu người bệnh chủ quan có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.

Thời gian gần đây, sốt xuất huyết lại diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Trong năm 2017, khi vực này có số ca mắc phải tăng cao hơn so với năm 2016 là 401%, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 96 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết, với 500.000 trường hợp nặng cần nhập viện. Có thể nói rằng, sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất thế giới, trong đó các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hà Nội có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất. Từ đầu năm 2017 đến 29/8/2017, thành phố Hà Nội ghi nhận có gần 22.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 7 bệnh nhân tử vong. Người mắc sốt xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau và có nhiều hình thức để điều trị bệnh. Trong đó, rất nhiều người bệnh chọn phương án điều trị bệnh tại nhà. Vậy điều trị bệnh tại nhà có thật sự hiệu quả hay không?

Trao đổi với Ths.Bs Nguyễn Thị Anh Xuân - Khoa Nhi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba cho biết: nhiều bệnh nhân khi mắc phải bị sốt thường chủ quan, xem nhẹ không đến bệnh viện và điều trị tại nhà có thể dẫn đến tình trạng sốc do giảm tiểu cầu, cô đặc máu, xuất huyết tương, thoát dịch màng bụng, gan to, chảy máu đường tiêu hóa và đặc biệt có thể dẫn đến suy đa tạng như suy gan, suy tim.

Chủ quan khi mắc bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn tới suy đa tạng - Ảnh 1.

Các dấu hiệu nhận biết của bệnh sốt xuất huyết:

Sau khi bị muỗi truyền virus 3-6 ngày, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện khác nhau

- Bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, đau nhức vùng hốc mắt, có thể đau họng, buồn nôn hoặc tiêu chảy và khó có thể giảm sốt.

- Sau 2-3 ngày, bệnh nhân có tình trạng giảm tiểu cầu trong máu và tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch và cô đặc máu.

- Người bệnh có thể xuất hiện các nốt chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh hoặc kinh nguyệt bất thường.

Chủ quan khi mắc bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn tới suy đa tạng - Ảnh 2.

Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà (khi được sự đồng ý của bác sĩ):

- Đối với bệnh lý sốt xuất huyết, việc điều trị chính là kiểm soát sốt cho bệnh nhân. Người bệnh có thể sử dụng thuốc Paracetamol đơn chất với liều khuyến cáo là 15mg theo cân nặng và có thể sử dụng từ 4 - 6 giờ/lần.

- Cung cấp đủ nước cho bệnh nhân để tránh tình trạng cô đặc máu.

- Không lạm dụng truyền dịch thay thế cho việc uống bổ sung oresol (lưu ý pha oresol đúng cách, đúng liều lượng).

- Chế độ ăn uống phù hợp: Nên ăn mềm dễ tiêu, tránh thức ăn có màu đỏ; Bổ sung các loại vitamin, đạm.

- Đến các cơ sở y tế thăm khám hàng ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục