Công dụng hữu ích của củ riềng

Nguyễn Liên, icon
08:09 ngày 16/12/2018

VTV.vn - Củ riềng không chỉ là gia vị quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt mà còn là vị thuốc thường dùng với rất nhiều công dụng.

Củ riềng (Hình minh họa: millionsofpeachesblog.com)

Theo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, trong y hoc dân gian, riềng có vị cay, tính ấm, có tác dụng ôn trung tán hàn, chống nôn chỉ tả, làm ấm tỳ vị, tăng cường chức năng của tỳ thổ.

Củ riềng được dùng để kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon cơm, chữa đầy hơi, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, nôn mửa, ợ hơi, đau dạ dày, cảm sốt, sốt rét, đôi khi chữa đau răng. Liều dùng là từ 3 đến 6g một ngày dưới dạng thuốc sắc, bột hoặc rượu thuốc.

Những trường hợp đau bụng phân lỏng, chân tay lạnh, huyết áp tụt đều có thể dùng riềng để cấp cứu. Củ riềng lành tính nên có thể dùng tươi hoặc khô dưới dạng thuốc sắc. Đôi khi, riềng cũng được kết hợp với những vị khác để tăng tác dụng điều trị.

Trong y học Trung Quốc và Nhật Bản, riềng cũng có tác dụng chữa đau dạ dày, đau bụng, khó tiêu, nôn mửa.

Một số bài thuốc có riềng trong y học dân gian:

- Chữa đau bụng, tiêu chảy (4 bài thuốc)

  + Riềng tươi rửa sạch thái lát 20g, lá lốt 20g. Cho hai thứ vào ấm chuyên, hãm với nước sôi. Sau 20 phút rót nước thuốc uống dần.

  + Riềng tươi 20g, búp ổi 20g, vỏ quả chuối xanh (sao qua) 30g. Cho các vị vào ấm, đổ vào 2 bát nước và nấu sôi trong 10 phút sau đó chắt ra uống dần.

  + Riềng tươi 20g, lá nhót (sao vàng hạ thổ) 20g, lá mã đề 20g. Sắc uống từ 2 đến 3 lần trong ngày.

  + Riềng tươi 20g, bạch truật (sao vàng hạ thổ) 16g, lệ chi 20g, quế tốt 8g. Sắc uống từ 2 đến 3 lần trong ngày.

- Chữa cảm sốt, sốt rét, kém ăn: Riềng tẩm dầu vừng sau 40g, can khương nướng 40g. Hai vị tán nhỏ, trộn với mật lợn làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống từ 15 đến 20 viên.

- Chữa sốt rét: Bột riềng 1kg, bột thường sơn 3kg, bột gừng khô, bột quế khô, bột thảo quả mỗi vị 2kg. Các vị tán nhỏ, làm viên hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 20 hoàn trước khi lên cơn.

- Chữa đau dạ dày: Riềng rửa rượu 7 lần, sấy khô, tán nhỏ; hương phụ rửa giấm 7 lần, sấy khô, tán nhỏ. Hai vị trộn đều, làm thành viên. Mỗi lần uống 5g khi có cơn đau.

- Trị tỳ thận dương hư, phù mặt và tứ chi: Riềng khô 20g, thảo quả 12g, bạch truật 16g, bào khương 12g, đinh lăng 20g, lá tre 16g, hương nhu 16g. Sắc uống, ngày một thang.

- Trị viêm đại tràng thể hàn thấp: (người bệnh có biểu hiện phân sống, rối loạn tiêu hóa, bụng đau âm ỉ, ăn uống kém, chân tay yếu mềm): Riềng khô 16g, bạch truật 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, sơn thù 12g, phòng sâm 16g, bạch linh 12g, cam thảo 12g, táo tầu 4 quả, trần bì 10g, sinh khương 6g, thảo quả 6g, ngũ gia bì 12g, đinh lăng 16g. Ngày một thang, sắc ba lần, uống ba lần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục