Những công dụng tuyệt vời của gừng

Nguyễn Liên, icon
07:15 ngày 15/11/2018

VTV.vn - Gừng không chỉ được biết đến như một loại gia vị quen thuộc với người dân Việt Nam mà còn được xem là một vị thuốc quý với nhiều công dụng tuyệt vời.

Gừng tươi (Hình minh họa: drweil.com)

Theo Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, gừng có vị cay, tính ấm, quy vào ba kinh phế, tỳ và vị, có tác dụng tăng tiết mồ hôi, giải biểu; làm ấm tỳ và vị và giảm nôn; làm ấm phế, giảm ho. Gừng còn là bài thuốc hữu hiệu giúp giải độc cua cá, thịt chim thú.

Có rất nhiều thuật ngữ liên quan đến gừng trong y học cổ truyền. Trong đó, sinh khương chỉ gừng tươi; can khương chỉ gừng phơi hoặc sấy khô; tiêu khương là gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng, vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội; bào khương là gừng khô đã bào chế và tán khương là thuật ngữ chỉ gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính.

Sinh khương có thể xúc tiến phân tiết dịch tiêu hóa, bảo hộ niêm mạc bao tử, có tác dụng chống lóet, bảo hộ gan, lợi mật, chống viêm, giải nhiệt, chống khuẩn, giảm đau và chống ói. Chất chiết cồn của gừng cũng có thể làm hưng phấn trung khu vận động mạch máu, trung khu hô hấp, tim.

Thông thường, gừng thường hay được dùng với liều lượng từ 3 đến 10g, có thể dùng kết hợp cùng với các vị thuốc khác hoặc dùng riêng một mình.

Một số bài thuốc có gừng:

- Trị cảm mạo, phong hàn: sinh khương 5 lát, tử tô diệp (tía tô) 30g. Tất cả sắc nước uống.

- Trị ho đàm lạnh: sinh khương 60g, dương đường (đường kẹo mạch nha) 30g, sắc cùng 3 chén nước đến khi còn nửa chén rồi uống ấm.

- Trị đầy hơi, bụng trướng đau: sinh khương 20g đập dập, cắt sợi kết hợp cùng 10g đường trắng, pha với nước sôi trong khoảng 5 phút, dùng thay trà.

- Trị đau nhức xương khớp, mất ngủ: sinh khương 100g, lá lốt 100g, muối hột 200g nấu cùng với 5 lít nước sôi. Pha vừa đủ ấm, ngâm chân 30 phút trước khi đi ngủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục