Cứ mỗi 3 giây, thêm một trường hợp được chẩn đoán mất trí nhớ

Tuấn Bảo, icon
02:45 ngày 30/07/2018

VTV.vn - Đây là 1 trong 10 cảnh báo mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra về bệnh mất trí nhớ trên toàn cầu.

Hình minh họa (Ảnh: Reuters)

Trên toàn thế giới, hiện có khoảng 50 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ. Bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất của bệnh mất trí nhớ, chiếm tới 60–70% trường hợp. Chứng mất trí nhớ là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật và phụ thuộc vào người khác, gây tác động cả về mặt thể chất, tâm lý, xã hội và kinh tế, không chỉ đối với những người mắc chứng mất trí, mà còn đối với người chăm sóc, gia đình và xã hội của họ nói chung.

Dưới đây là 10 vấn đề của chứng mất trí nhớ mà Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo:

Mất trí nhớ không phải là một diễn biến bình thường của sự lão hóa

Mặc dù chứng mất trí nhớ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi, nhưng nó không phải là một diễn biến bình thường của hiện tượng lão hóa. Chứng mất trí nhớ là một hội chứng, do các bệnh lý của não làm ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Trên thế giới có khoảng 50 triệu người sống nhưng bị mất trí nhớ

Tổng số người bị mất trí nhớ trên toàn cầu trong năm 2015 ước tính khoảng 47 triệu người. Trong số đó, 60% sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng và được dự đoán sẽ lên đến 71% vào năm 2050.

Cứ mỗi 3 giây, sẽ có thêm một trường hợp mới được chẩn đoán bệnh mất trí nhớ

Mỗi năm, tổng số trường hợp mới bị bệnh mất trí nhớ trên cầu là gần 9,9 triệu, tương đương 1 trường hợp mới sau mỗi 3 giây. Số người bị mất trí nhớ dự đoán sẽ tăng lên đến 82 triệu vào năm 2030 và 150 triệu vào năm 2050.

Bệnh mất trí nhớ có tác động inh tế rất lớn; ước tính lên đến 818 tỷ USD mỗi năm

Bệnh mất trí nhớ có chi phí điều trị và chi phí chăm sóc cao, thật sự là một thách thức đối với các hệ thống y tế các nước phải đối phó với sự gia tăng tiếp tục trong tương lai. Chi phí ước tính là 818 tỷ USD mỗi năm và sẽ tiếp tục tăng cao so với hiện nay.

Người chăm sóc cho người bệnh mất trí nhớ thường chịu áp lực nặng nề và rất căng thẳng

Những người chăm sóc bệnh cho người bị chứng mất trí nhớ thật sự chịu áp lực rất nặng nề và căng thẳng, cả về thể chất, tình cảm và kinh tế. Họ rất cần sự hỗ trợ từ hệ thống y tế, xã hội, tài chính và cả pháp lý của mỗi nước.

Chẩn đoán sớm sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh mất trí nhớ và gia đình của họ

Các mục tiêu chính trong điều trị và chăm sóc bệnh mất trí nhớ là: chẩn đoán sớm, can thiệp điều trị nhằm tối ưu hóa sức khỏe về thể chất, nhận thức, hoạt động và tinh thần; phát hiện và điều trị kịp thời các triệu chứng bất thường về hành vi và tâm thần; hướng dẫn và hỗ trợ dài hạn cho người chăm sóc.

Những người mắc bệnh mất trí nhớ và gia đình của họ thường bị phân biệt đối xử

Tại nhiều nước trên thế giới, những người mắc chứng mất trí nhớ thường bị từ chối các quyền cơ bản và quyền tự do mà những người bình thường khác được quyền sử dụng.

Cần có sự thay đổi nhận thức về người mất trí nhớ

Nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh mất trí nhớ trong xã hội là cần thiết giúp làm giảm sự phân biệt đối xử và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh mất trí nhớ và những người chăm sóc họ.

Cần có thêm những công trình nghiên cứu và đổi mới phương pháp điều trị

Cần có nhiều công trình nghiên cứu hơn về chứng mất trí nhớ để phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn, cũng như biết rõ hơn về nguyên nhân của bệnh mất trí nhớ. Hiện nay, các công trình nghiên cứu xác định yếu tố nguy cơ của chứng mất trí vẫn còn rất hiếm.

Bệnh mất trí nhớ phải được xem là một ưu tiên trong lĩnh vực y tế công cộng

Các hoạt động sau đây cần được ưu tiên:

- Phải đưa bệnh mất trí nhớ trở thành một trong những vấn đề ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe và xã hội công cộng ở mọi nơ.

- Tăng nhận thức về chứng mất trí nhớ và thúc đẩy một xã hội thân thiện với người bị bệnh mất trí nhớ.

- Đầu tư vào các hệ thống y tế và xã hội để cải thiện chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho những người mắc bệnh mất trí nhớ.

- Hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân bị mất trí nhớ và gia đình của họ.

- Cải thiện công tác giám sát hoạt động chăm sóc sức khỏe và quan tâm của xã hội đối với những người mắc bệnh mất trí nhớ.

- Tăng cường nghiên cứu về bệnh mất trí nhớ, thúc đẩy sự đổi mới nâng cao hiệu quả chăm sóc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục