Cứu 2 bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp do nhồi máu cơ tim

Văn Thành, icon
09:59 ngày 19/01/2021

VTV.vn - Thông tin từ Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp bị nhồi máu cơ tim có biến chứng ngừng tuần hoàn hô hấp.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ, 66 tuổi, vào Khoa Nội Tim mạch với triệu chứng đau ngực sau xương ức từng cơn, đau ngay cả khi nghỉ ngơi.

Khi vừa vào khoa, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, môi tím, ngừng tim, ngừng thở, điện tim ghi nhận hình ảnh rung thất. Bệnh nhân được chẩn đoán ngừng tuần hoàn hô hấp và được kịp thời hồi sức tim phổi với ép tim, sốc điện ngoài lồng ngực nhiều lần, đặt nội khí quản và bóp bóng kèm sử dụng thuốc tăng co bóp và vận mạch.

Sau khi đã hồi phục nhịp tim trở lại, xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngừng tuần hoàn hô hấp, các bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến phòng chụp và can thiệp tim mạch (DSA).

Kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đoạn đầu động mạch liên thất trước, đã được can thiệp thành công với 1 stent. Sau can thiệp, dòng chảy động mạch vành tái thông tốt. Sau can thiệp động mạch vành, huyết động dần ổn định và được giảm dần liều thuốc vận mạch.

Siêu âm tim cấp cứu tại giường cho thấy chức năng tim còn bảo tồn, chưa ghi nhận hình ảnh rối loạn vận động thành tim. Sau 6 ngày điều trị tích cực tại Đơn vị Hồi sức Cấp cứu, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo hơn, gọi hỏi biết, thực hiện đúng theo y lệnh. Đã ngừng được các thuốc tăng co bóp vận mạch và chuyển ra phòng ngoài.

Cứu 2 bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp do nhồi máu cơ tim - Ảnh 1.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nữ, 90 tuổi, khởi phát triệu chứng tại nhà với đau ngực sau xương ức.

Ngay khi đến bệnh viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện rung thất, ngưng tim, ngưng thở, đã được các nhân viên y tế tiến hành hồi sức tim phổi, ép tim, sốc điện ngoài lồng ngực, đặt máy tạo nhịp tạm thời và chụp can thiệp động mạch vành cấp cứu.

Kết quả chụp mạch vành cho thấy: Bệnh nhân bị hẹp nặng cả 3 nhánh động mạch vành, tắc hoàn toàn ở đoạn giữa động mạch vành phải. Bệnh nhân đã được can thiệp đặt stent động mạch vành phải (động mạch thủ phạm).

Sau can thiệp, huyết động dần ổn định, được giảm dần liều thuốc vận mạch. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, không đau ngực, không có các biểu hiện thần kinh khu trú.

Theo các bác sĩ, nhồi máu cơ tim xảy ra khi tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng tim. Cơ chế chủ yếu là do sự không ổn định và nứt ra của các mảng xơ vữa, trên cơ sở đó huyết khối hình thành gây lấp toàn bộ lòng mạch. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trong đó có khoảng một nửa số bệnh nhân tử vong trước khi nhập viện.

Tình trạng ngừng tuần hoàn hô hấp kéo dài có thể gây tổn thương không hồi phục các cơ quan quan trọng như tim, não, gan, thận… Do vậy, kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp nhanh, không sai sót giúp duy trì đủ lượng máu tối thiểu cung cấp cho các tạng.

Bên cạnh đó, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh bệnh mạch vành với kiểm soát các yếu tố nguy cơ, thay đổi lối sống, điệu trị dự phòng với thuốc (aspirin, statin, ức chế men chuyển…) và tiến hành can thiệp động mạch vành kịp thời khi có chỉ định giúp phòng ngừa các biến cố hội chứng vành cấp, nhồi máu cơ tim và các biến chứng của bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục