Dịch COVID-19 ngày 31/3: Số ca nhiễm tại Mỹ lên đến 160.000, tốc độ lây ở Italy đã chậm lại

PV (Tổng hợp), icon
08:08 ngày 31/03/2020

VTV.vn - Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 163.479 bệnh nhân trong khi số ca mắc COVID-19 ở Italy đã chạm ngưỡng 100.000 người.

Mỹ: Hơn 160.000 người mắc COVID-19, một loạt các bang ra lệnh người dân ở nhà

Mỹ hiện vẫn đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo số liệu của Worldometers cập nhật lúc 7h15 ngày 31/3 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 163.479 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 3.148 ca tử vong. Trên cả thế giới, số người nhiễm là 784.381 và số người tử vong là 37.780 người.

Ngày 30/3 (theo giờ địa phương), chính quyền khu vực DMV, gồm các bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington, cùng bang Arizona đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Thị trưởng thủ đô Washington Muriel Bowser khuyến cáo người dân tại thủ đô cũng chỉ nên ra ngoài trong những trường hợp thật cần thiết như mua thực phẩm, hoạt động kinh doanh cần thiết hay thực hiện nhiệm vụ của chính phủ. Những trường hợp vi phạm có thể bị xử phạt hoặc bỏ tù. Chính quyền của thủ đô cũng khuyến khích bất cứ ai có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 cần lập tức liên hệ qua điện thoại với bác sỹ hoặc cơ sở y tế do hiện có 3 bệnh nhân tại Washington DC đã tử vong đều do không đến bệnh viện và không được xét nghiệm.

Ngoài ra, thành phố cũng đã lập một địa điểm xét nghiệm dành riêng cho nhân viên Sở Cảnh sát và Sở Cứu hỏa. Hiện có 5 cảnh sát, 14 lính cứu hỏa, 1 nhân viên của chính quyền thành phố và 4 nhân viên của Sở Giáo dưỡng dương tính với virus SARS-CoV-2, kéo theo 498 người bị cách ly.

Trước đó, một số bang như California hay Michigan cũng ban hành lệnh trên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Dịch bệnh tại Italy có thể lên tới đỉnh điểm trong 7 – 10 ngày tới

Dịch COVID-19 ngày 31/3: Số ca nhiễm tại Mỹ lên đến 160.000, tốc độ lây ở Italy đã chậm lại - Ảnh 1.

Trong ngày 30/3, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 4.050 ca, lên tới ít nhất 101.739 trường hợp. Tuy vậy, số ca nhiễm mới đã giảm xuống trong 5 ngày liên tiếp. Tổng số ca tử vong là 11.591 trường hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Pierpaolo Sileri cho biết tốc độ lây lan đang chậm lại và dịch COVID-19 tại nước này có thể lên tới đỉnh điểm trong 7 – 10 ngày tới. Theo ông Sileri, Italy cần tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm những người tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ, nhân viên y tế và những người thường xuyên tiếp xúc với công chúng như lực lượng thực thi pháp luật, dược sĩ, nhân viên siêu thị, nhà báo.

Trước đó, hãng thông tấn ANSA của Italy đưa tin, công ty công nghệ sinh học Takis đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm 5 loại vaccine chống virus SARS-CoV-2. Các cuộc thử ban đầu sẽ cho kết quả vào giữa tháng 5 và việc tiến hành thử nghiệm trên người có thể được bắt đầu vào mùa Thu năm nay.

Pháp ghi nhận số ca tử vong kỷ lục

Theo thông tin của TTXVN, Pháp đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong vòng 24h kể từ khi bắt đầu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, với 418 trường hợp tử vong trong bệnh viện, nâng tổng số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lên thành 3.024 người.

Đáng chú ý, số liệu tử vong ở Pháp mới chỉ tính đến những ca ở bệnh viện mà chưa kể đến những người tử vong tại gia hoặc trong các viện dưỡng lão.

Tại Đức, theo phóng viên TTXVN, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, tình hình lây lan của SARS-CoV-2 ở nước này vẫn còn quá nhanh, do đó không có lý do gì quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc.

Phát biểu trước báo giới, ông Seibert cho hay, Chính phủ vẫn đang theo dõi sát sao tình hình và hiện cứ sau khoảng 5 ngày thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Đức lại tăng lên gấp đôi. Do đó, chỉ có thể nới lỏng các hạn chế tiếp xúc khi tốc độ lây nhiễm chậm lại. Để có thể hạn chế tối đa các ca nhiễm bệnh mới, Chính phủ Đức cần tiếp tục kéo dài các biện pháp kiểm soát và hạn chế tiếp xúc đến ít nhất là ngày 20/4.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu Forsa tiến hành, công bố ngày 30/3, hơn một nửa dân số Đức bày tỏ ủng hộ các biện pháp hạn chế tiếp xúc của Chính phủ trong nỗ lực khống chế sự lây lan nhanh của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nga: Moscow ban hành chế độ tự cách ly

Dịch COVID-19 ngày 31/3: Số ca nhiễm tại Mỹ lên đến 160.000, tốc độ lây ở Italy đã chậm lại - Ảnh 2.

Phóng viên Nhật Linh - Thường trú Đài THVN tại Nga cho biết, chính quyền thủ đô Moscow đã ban hành biện pháp cứng rắn nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, toàn bộ cư dân ở thủ đô Moscow và vùng ngoại ô sẽ buộc phải tự cách ly tại nhà, không được ra đường. Toàn bộ dân cư chứ không chỉ riêng những người trên 65 tuổi.

Chế độ tự cách ly tại nhà được áp dụng cho tất cả cư dân Moscow, bất kể độ tuổi nào. Mỗi người chỉ được rời khỏi nhà trong trường hợp cấp cứu hay khẩn cấp đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe, đi cửa hàng thực phẩm hoặc hiệu thuốc gần nhất, đi đổ rác hay dạo với vật nuôi không quá 100m từ nơi cư trú. Hệ thống camera thông minh sẽ giám sát việc tuân thủ quy định cách ly.

Quyết định này được Chính quyền Moscow đưa ra ngay sau 2 ngày đầu tiên của "kỳ nghỉ đặc biệt" từ 28/3 đến 5/4. Mặc dù các công viên, nhà hàng đã đóng cửa, phố xá thưa vắng hơn, nhưng không ít người dân vẫn tìm đến các khu vui chơi tận hưởng thời tiết đẹp.

Số lượng người nhiễm COVID-19 ngày một tăng cao buộc Nga phải thắt chặt các biện pháp chống lây lan: Một tuần không làm việc hưởng lương. Đó không phải kỳ nghỉ bình thường mà kỳ nghỉ ở nhà cách ly, tạo khoảng cách an toàn cho cộng đồng.

Theo thống kê, Nga đã ghi nhận 1.836 trường hợp dương tính với bệnh, tăng thêm 302 người trong 24 giờ qua. Đến nay, đã có tổng cộng 9 ca tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục