Doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm: tiết kiệm 3.700 tỷ đồng/năm

Lê Thạch (Tổng hợp), icon
05:38 ngày 26/02/2018

VTV.vn - Đây là những lợi ích mang tính đột phá sau khi Chính phủ ban hành NĐ số 15 thay thế NĐ số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm

Nghị định 15 được đánh giá là đã tạo cuộc ‘cách mạng’ trong quản lý an toàn thực phẩm, khi mà trước đó, Nghị định 38 được cho là gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Điển hình là những bất cập về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, trên thực tế, thủ tục này đã biến thành một loại "giấy phép con" gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, Cục An toàn thực phẩm cấp khoảng 35.000 giấy xác nhận và con số này tiếp tục tăng mạnh trong 2017, có thể lên tới 45.000 giấy phép.

Khảo sát của CIEM cho thấy để xin được một giấy xác nhận, trung bình doanh nghiệp mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng (gồm chi phí chính thức và cả phi chính thức). Thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng.

Thế nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc nhất. Các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục xác nhận nhiêu khê, phức tạp, tốn kém, thế nhưng việc cấp xác nhận công bố phù hợp không làm thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được công bố. Doanh nghiệp nhận được giấy xác nhận, nhưng trong đó ghi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng thực phẩm mà doanh nghiệp đã công bố, nghĩa là cơ quan quản lý an toàn thực phẩm không phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

Hơn nữa, cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận chỉ dựa vào hồ sơ của doanh nghiệp nộp, kết quả kiểm nghiệm dựa trên mẫu kiểm nghiệm do doanh nghiệp tự lấy, nghĩa là hoàn toàn chỉ quản lý trên giấy. Nói cách khác, việc cấp giấy xác nhận công bố phù hợp hầu như không có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong thực tế.

Nay, với Nghị định 15, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: "Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố". Bộ Y tế chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố với một số rất ít các sản phẩm thực phẩm.

Theo các ước tính, việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục