"Đột quỵ thanh quản" - nguyên nhân và cách xử trí

P.V, icon
07:26 ngày 25/11/2019

VTV.vn - Nhiều người sáng ngủ dậy không thể nói được, có ca sĩ đang hát thì đột ngột mất tiếng. Hiện tượng đó gọi là "đột quỵ thanh quản", cần được can thiệp, xử trí kịp thời.

Theo chia sẻ của PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, chuyên gia Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với những trường hợp bị đột quỵ thanh quản, có thể do các nguyên nhân sau:

Viêm nhiễm

Viêm mũi xoang

Nhiều trường hợp bị lạc giọng, mất hẳn tiếng thường là hậu quả của viêm mũi xoang, sau 3 - 5 ngày dịch mũi chảy xuống họng, bệnh nhân thấy khô cổ, giọng nói nặng dần rồi mất hẳn sau một đêm ngủ dậy.

Phòng ngừa: Nếu đã từng một lần bị mất tiếng, bạn có thể lại thấy hiện tượng chảy dịch xuống họng rồi giọng nói đục dần - ngay lập tức phải đi khám bác sĩ tai mũi họng để được xác định và điều trị bệnh kịp thời (như sử dụng kháng sinh, kháng viêm, điều trị tại chỗ của mũi xoang và tại thanh quản).

Viêm thanh quản do trào ngược dạ dày thực quản

Dịch acid của dạ dày đi lên vùng cổ trào vào vùng thanh quản, nếu hiện tượng trào ngược kèm theo viêm dạ dày tăng tiết acid sẽ làm niêm mạc và biểu mô thanh quản bị bỏng dẫn đến phù nề rồi mất tiếng.

Trường hợp này cần đi khám để đánh giá tình trạng cụ thể và hướng xử trí.

Viêm thanh quản cấp dị ứng

Người bệnh thường mất hẳn tiếng thậm chí kèm khó thở sau khi uống rượu, bia. Đây là tình trạng dị ứng nặng đường thở trong bệnh cảnh dị ứng niêm mạc, toàn bộ niêm mạc vùng họng, hạ họng - thanh quản nơi tiếp xúc với rượu nề lên, bít lấp đường thở, hai dây thanh mọng nước, không di động được, luồng không khí qua thanh quản giảm, không đủ áp lực làm rung được dây thanh, dẫn đến không tạo ra được tiếng thanh.

U trong thanh quản

Những người có u trong thanh quản biểu hiện tình trạng mất tiếng từ từ, thường khàn tiếng xuất hiện trước và khi khối u đã xâm lấn các cơ nội thanh quản, làm dây thanh không di động được mới xuất hiện mất tiếng kèm theo khó nuốt và đau lên tai khi nuốt.

Xử trí: Khả năng để phục hồi giọng được như lúc đầu là rất khó mà tiếng nói chỉ có thể cải thiện một phần sau điều trị khối u như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất…

Phòng ngừa: Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các loại u ác tính thanh quản ở ngay giai đoạn đầu với các biểu hiện sàng lọc: khàn tiếng (thô, ráp) kéo dài trên 3 tuần mà không đáp ứng với điều trị nội khoa, đặc biệt ở nam giới trên 40 tuổi có nghiện thuốc lá.

Chấn thương thanh quản

Chấn thương vật sắc nhọn gây đứt dây thanh, các tác động gián tiếp gây trật sụn phễu ra khỏi vị trí bình thường...

Xử trí: Đây là một cấp cứu về giọng cũng như các chức năng khác của thanh quản, do đó người bệnh nên đến các trung tâm chuyên khoa tai mũi họng để giải quyết đúng và xử trí kịp thời ngay ở giai đoạn đầu của tổn thương.

Sau phẫu thuật

Bệnh nhân xuất hiện mất tiếng ngay sau các phẫu thuật vùng cổ, đặc biệt sau mổ bướu giáp, ung thư tuyến giáp.

Nếu có biểu hiện này phải thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, tìm nguyên nhân và xử trí kịp thời: chống viêm, bổ thần kinh trong trường hợp chèn ép dây thần kinh, hoặc nối thần kinh nếu có tổn thương...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục