Dự phòng bệnh lý tim mạch mùa nắng nóng

P.V, icon
03:37 ngày 18/06/2024

VTV.vn - Tác động của nắng nóng lên sức khỏe của con người là rất lớn, đặc biệt là đối với những người bị mắc các bệnh lý về tim mạch.

Hình minh họa.

Vào thời điểm mùa nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình thường gia tăng đột biến.

Cơ chế ảnh hưởng của nắng nóng đến bệnh lý tim mạch là do 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, trời nóng làm tăng nhịp tim, dẫn đến tăng huyết áp và là nguyên nhân chính gây gia tăng biến cố tim mạch như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp.

Thứ hai, nhiệt độ cao làm cơ thể bị mất nước nhiều dẫn đến tình trạng cô đặc máu dễ gây tắc nghẽn mạch máu như mạch não, mạch vành và các mạch máu ngoại biên. Cùng với việc mất mồ hôi nhiều do nắng nóng kèm theo mất điện giải như kali, natri, magie, làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và rối loạn điện giải nghiêm trọng.

Thứ ba, trong đời sống hiện tại thì hầu như ở tất cả các gia đình hay các nơi công cộng đều được lắp điều hòa nhiệt độ, việc di chuyển từ ngoài trời có nhiệt độ cao vào nơi có nhiệt độ thấp đột ngột có thể gây co mạch đột ngột dẫn đến cơn tăng huyết áp kịch phát.

Theo các bác sĩ, những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch thường thấy là đột ngột người bệnh xuất hiện đau đầu, chóng mặt, đau tức ngực, khó thở, hay hồi hộp trống ngực, thậm chí có thể ngất. Khi phát hiện bản thân hoặc người thân có những dấu hiệu như vậy, người bệnh nên nằm tại nơi thoáng mát, kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp, nếu phát hiện bất thường các chỉ số sinh tồn trên nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kĩ hơn và điều trị theo phác đồ.

Đặc điểm của bệnh lý tim mạch là diễn biến đột ngột và cấp tính, nếu không đến cơ sở y tế kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm như: Đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp nguy hiểm, suy tim cấp, thậm chí có thể đột tử.

Vì vậy, vào mùa Hè, nhất là trong những ngày nắng nóng, người dân và nhất là những người có bệnh lý tim mạch nền nên thực hiện các biện pháp sau để dự phòng bệnh lý tim mạch:

Giữ nước bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời. Nước đun sôi để nguội là tốt nhất nhưng bạn cũng có thể cho người lớn tuổi trong nhà uống thêm sữa, nước trái cây. Những người bệnh đang uống thuốc lợi tiểu hoặc thuốc hạ áp có tác dụng giãn mạch nên lưu ý bổ sung lượng nước nhiều hơn thường ngày. Nếu mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Hạn chế ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải ra đường, ngoài trời nóng, phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Không nên di chuyển đột ngột từ nơi có nhiệt độ cao vào nơi có nhiệt độ quá thấp, tránh gây sốc nhiệt.

Ngoài ra, một chế độ ăn hợp lý, thể dục thể thao đều đặn với cường độ vừa phải sẽ góp phần phòng tránh bệnh lý tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục