Gắp cúc áo "mắc kẹt" trong thực quản bé trai 3 tuổi

P.V, icon
05:22 ngày 17/11/2021

VTV.vn - Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, bệnh viện vừa gắp thành công dị vật cản quang kích thước 3x3cm ngang eo thực quản của bé trai 3 tuổi.

Dị vật cúc áo được gắp ra khỏi thực quản bệnh nhi. Ảnh: BVCC

BSCKII Lê Thị Mộng Thu, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng cho biết: Bệnh nhi vô tình nuốt cúc áo khoác cỡ lớn, sau khi nuốt cúc áo nằm ngang gây mắc nghẹn ở thực quản. Nếu không kịp thời xử lý, cấp cứu gắp kịp thời, tình trạng tắc nghẽn đường ăn sẽ nghiêm trọng.

May mắn, bệnh nhi đã đến bệnh viện kịp thời và được xử lý ngay sau đó. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.

Dị vật đường ăn nhất là dị vật thực quản là một tai nạn rất phổ biến, nếu không được xử lý sớm thì thực sự nguy hiểm, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.

Ghi nhận tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, các bệnh nhân đến khám do mắc dị vật đường ăn rất nhiều, nhất là bệnh nhi. Vì vậy, để phòng ngừa dị vật thực quản, các khuyến cáo mọi người nên:

- Không nên ăn uống vội vàng. Không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn, uống rượu say nhắm đồ ăn có lẫn xương.

- Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn. Khi bị hóc không nên chữa mẹo.

- Trẻ em không nên ngậm đồ chơi trong miệng, không để những vật tròn, nhỏ, dễ nuốt quanh trẻ khi không có sự giám sát của người lớn.

- Đối với trẻ nhỏ, người suy giảm trí tuệ, những người mắc bệnh tâm thần, có thể không khai thác được tiền sử nuốt phải dị vật. Những bệnh nhân này có thể có nghẹt thở, không ăn, nôn, chảy nước mũi, thở rít, nước bọt màu máu, hoặc suy hô hấp… Nếu có các dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng như vậy thì nên đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời…

- Khi phát hiện dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng..

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục