Gia tăng số người cần ghép giác mạc mỗi năm

Minh Đức, icon
09:52 ngày 06/11/2018

VTV.vn - Mỗi năm, số người bị mù do bệnh giác mạc tăng thêm 15.000 người, nhưng lượng giác mạc được hiến tặng để ghép không nhiều, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.

Ông Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hiện nay ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra. Mỗi năm số người bị mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Các bệnh nhân sẽ phải sống trong cảnh tăm tối, không nhìn thấy ánh sáng và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật ghép giác mạc, nhưng giác mạc cần phải được hiến tặng nên số lượng người được ghép không nhiều.

Theo thống kê từ năm 2007 đến năm 2018, cả nước có trên 35.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời trên 15 tỉnh thành trong cả nước. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, vậy nên hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Năm 2006, Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người, hiến và lấy xác đã chính thức được Quốc hội thông qua, là một trong những điều kiện quan trọng để hình thành và xây dựng Ngân hàng Mắt. Tháng 5/2009, Ngân hàng Mắt đầu tiên ở Việt Nam chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, có chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân hiến tặng giác mạc. Ngoài ra, Ngân hàng còn là nơi thu nhận, đánh giá, bảo quản, điều phối giác mạc.

Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt), cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó truyền lên não bộ. Giác mạc chỉ được lấy từ người hiến tặng tốt nhất sau khi qua đời trong vòng 6 đến 8 giờ. Việc hiến và thu nhận giác mạc được tiến hành trong vòng vài phút, không ảnh hưởng gì đến hình dạng đôi mắt người hiến cũng như việc tổ chức tang lễ cho người quá cố. Giác mạc sau khi thu nhận được bảo quản tại Ngân hàng Mắt và các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ tiến hành phẫu thuật ghép cho người mù do bệnh lý giác mạc.

Giác mạc của một người sẽ được tái sinh ở hai người bệnh. Nghĩa cử cao đẹp này sẽ mang lại ánh sáng cho hàng nghìn người đang chờ ghép vì mù hoặc thị lực kém do mắc các chứng sẹo giác mạc, bỏng giác mạc, loạn dưỡng giác mạc…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục