Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5%

Lê Thạch, icon
05:30 ngày 30/01/2018

VTV.vn - Đây là một trong những mục tiêu đáng chú ý trong Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 vừa được Bộ Y tế ban hành.

Bổ sung vitamin A cho trẻ

Cùng với chỉ tiêu trên, trong kế hoạch mới ban hành, Bộ Y tế cũng xác định nhiều mục tiêu đáng quan tâm khác liên quan đến vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho người dân như: giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2500 gam) xuống dưới 8%; giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 12%; giảm tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15%; bảo đảm tỷ lệ hộ gia đình dùng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt trên 90%; tăng chiều cao của trẻ em trai và trẻ em gái 5 tuổi từ 1,5 cm - 2,0 cm so với năm 2010; khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% đối với vùng nông thôn và dưới 10% đối với thành phố lớn...

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5% - Ảnh 1.

Chăm sóc cho trẻ sơ sinh

Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 ra đời nhằm tiếp tục cải thiện vấn đề dinh dưỡng ở Việt Nam. Những năm qua, công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng của nhân dân trong chiến lược con người, nâng cao chất lượng giống nòi và phát triển xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực trạng dinh dưỡng ở nước ta được nhìn nhận còn nhiều bất cập như: chính quyền ở nhiều nơi và đa số người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng; nguồn lực cho công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu chỉ mới chỉ tập trung cho công tác pḥòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi; bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong các hộ gia đình, bữa ăn học đường, bữa ăn ca cho người lao động chưa được bảo đảm; năng lực của mạng lưới dinh dưỡng còn nhiều hạn chế, thiếu những kiến thức, phương tiện cần thiết để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi các hành vi không có lợi về dinh dưỡng.

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như toàn cầu hóa, đô thị hóa đặc biệt là tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và già hóa dân số nhanh góp phần làm tăng thêm phân hóa giàu nghèo, gây khác biệt lớn về điều kiện sống và tình trạng dinh dưỡng giữa các vùng, miền. Mặc dù tình trạng an ninh lương thực và bữa ăn của người dân có được cải thiện, song mất an ninh thực phẩm vẫn còn hiện hữu, đe dọa các vùng khó khăn, vùng nghèo và những nơi xảy ra thiên tai bất thường. Trong khi ở một số vùng, đặc biệt vùng sâu, vùng xa bữa ăn còn thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng thì tại các vùng đô thị, tình trạng ăn uống bất hợp lý đang trở lên phổ biến ở một số nhóm dân cư. Người dân, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, chất đường và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Thay đổi lối sống và bữa ăn mất cân đối ở nhiều hộ gia đình làm gia tăng gánh nặng kép về dinh dưỡng bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa cân - béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện tốt thực trạng dinh dưỡng tại Việt Nam với nhiều giải pháp cụ thể. Đáng chú ý, kế hoạch này đề xuất đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và các địa phương.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục