Hà Nội: Gia tăng bệnh nhân mắc sởi

Lê Thạch, icon
11:10 ngày 25/01/2019

VTV.vn - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 20/1, Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp mắc sởi tại 23 xã, phường của 13 quận huyện.

Hình minh họa.

Trong số 32 trường hợp mắc sởi tại Hà Nội, hiện tại còn 12 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2), Bệnh viện Bộ xây dựng, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm và Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhân mắc sởi ghi nhận ở nhiều lứa tuổi khác nhau như trẻ dưới 9 tháng chưa đến tuổi tiêm chủng và cả người lớn. Trong đó, đa số bệnh nhân mắc bệnh do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi (94%). Trong thời gian gần đây, số bệnh nhân là người lớn có xu hướng gia tăng và đã chiếm 1/4 tổng số bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây và có khả năng gây dịch lớn, chính vì vậy những ai chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ thì đều có khả năng mắc bệnh sởi.

Để chủ động phòng bệnh, ngành y tế khuyên cáo người dân hãy thực hiện các biện pháp sau:

- Hãy đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi - rubella khi trẻ đủ 18 - 23 tháng tuổi trong Tiêm chủng mở rộng và trẻ từ 1-5 tuổi tiêm bổ sung trong chiến dịch.

- Trẻ lớn hơn 5 tuổi, người lớn và phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cũng cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi (có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh sởi - quai bị - rubella) tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh cho chính bản thân và góp phần ngăn chặn virus sởi lây lan trong cộng đồng.

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân (mũi, họng, mắt, bàn tay) hàng ngày cho trẻ và người lớn.

- Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí như mùa đông thỉnh thoảng phải mở cửa sổ thay không khí, cho ánh nắng mặt trời chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí; dùng đèn xông tinh dầu ...

- Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, cách ly kịp thời và thông báo ngay cho Trạm y tế xã, phường biết.

- Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.

- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh. Làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.

- Hạn chế tập trung nơi đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí, ở khu vực ổ dịch...

- Ăn uống đầy đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục