Hải Dương: Các bệnh truyền nhiễm gia tăng

Tuấn Bảo, icon
02:47 ngày 01/07/2019

VTV.vn - Trong 6 tháng đầu năm 2019, tại Hải Dương, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2018.

Tiêm phòng sởi cho trẻ tại một ổ dịch.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 324 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 171 trường hợp sởi dương tính, tăng 166 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 08 trường hợp - cùng kỳ 2018 không ghi nhận trường hợp nào. Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu ghi nhận 330 trường hợp, tăng 148 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018; bệnh ho gà có 19 ca, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có 1 trường hợp...

Theo bác sĩ Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm vẫn ở mức gia tăng, trong đó bệnh sởi được xem là mối nguy cơ tiềm ẩn bởi tỷ lệ tiêm phòng vaccine trong cộng đồng vẫn còn thấp. Kết quả điều tra cho thấy: 18,3% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi; 22.6% trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi, còn lại là bệnh nhân trên 5 tuổi và có tới 99,04% chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Ngoài ra, bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà cả người lớn cũng mắc sởi. Điều này chứng tỏ: tỷ lệ người dân được tiêm ngừa vaccine sởi và có miễn dịch với bệnh sởi trong cộng đồng còn thấp, nguy cơ lây bệnh cao.

Bác sĩ Tuyến lưu ý: các bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh trong những năm gần đây và có nguy cơ cao thành các đợt dịch bệnh lớn, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, thời tiết có những diễn biến thất thường. Đây là cơ hội cho các bệnh truyền nhiễm nhiễm như bệnh cúm, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, tiêu chảy... phát triển.

Ngành y tế khuyến cáo: người dân cần đưa con em mình tiêm chủng đầy đủ, giữ vệ sinh cá nhân, giữ vệ sinh răng miệng. Tắm rửa thường xuyên phòng bệnh viêm nhiễm trên da. Ăn các thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, đã được lọc hoặc xử lý; bảo quản thức ăn đã chế biến một cách phù hợp (như bảo quản lạnh); ngăn không cho ruồi nhặng đậu vào thức ăn; không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín. Thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người và động vật hợp vệ sinh. Nuôi cá để diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, ruồi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn để hạn chế nơi sinh sản của muỗi...

Khi bị mắc bệnh truyền nhiễm, người bệnh cần đến khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân chóng hồi phục, tránh diễn biến nặng và tránh nguy cơ tử vong, giảm sự lây truyền bệnh ra cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục