Hiểm họa từ dưa, cà muối

VOVGT, icon
04:07 ngày 28/05/2015

VTV.vn - Dưa, cà muối là thực phẩm yêu thích của nhiều người nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do không được chế biến, bảo quản đúng cách.

Không nên ăn dưa, cà muối trong lọ nhựa.

Dưa, cà ngoài hàng thường được muối trong lọ nhựa, thùng nhựa, thậm chí thùng xốp rất độc hại. Trong quá trình sản xuất đồ nhựa, người ta hay dùng chất melamine và nhiều phụ gia khác như chất tạo màu, làm dẻo. Chúng có thể an toàn nếu chỉ chứa nước hoặc đựng đồ theo đúng chức năng. Khi dùng những đồ nhựa này để đựng thực phẩm, nhất là đồ nóng, nhiều mỡ, axit như dưa cà muối, các chất phụ gia sẽ phôi nhiễm vào thực phẩm, khiến người dùng nhiễm độc. Đặc biệt, nếu tận dụng các thùng sơn để muối dưa, cà còn gây nhiều nguy hiểm hơn. Bởi chúng còn lưu lại các chất phụ gia, tạo màu, dung môi từ sơn. Các chất độc này sẽ ngấm vào dưa cà và gây nguy hiểm đến sức khỏe. Nếu dùng lâu dài có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh, thậm chí là ung thư...

Ngoài ra, khi làm dưa cà với số lượng lớn, người bán không rửa kỹ nên còn tồn dư nhiều thuốc sâu, hóa chất độc hại. Người muối dưa cà dùng để bán cũng thường dùng một hộp chất Sunfua dioxit (SO2) để tẩy trắng, giúp dưa cà ngon, không váng. Điều đáng nói, đó là chất tẩy đường thường được dùng trong công nghiệp chứ không phải dùng trong thực phẩm. Tự muối dưa cà để ăn là an toàn nhất, tuy nhiên bạn cũng cần biết khi nào cần bỏ dưa cà muối đi. Khi dưa cà đã bị nổi váng hoặc mốc đen, chúng có thể gây ngộ độc.

Theo chuyên gia ẩm thực Trần Duy Khánh: Dưa cà thường được trồng thâm canh gối vụ, nên lượng sâu bệnh rất nhiều. Bà con nông dân thường phun lượng thuốc trừ sâu mạnh đặc biệt với cà. Khi dưa cà được bán ra thị trường, lượng thuốc trừ sâu chưa kịp tan đi sẽ ngấm vào trong thực phẩm. Khi người tiêu dùng mua về nhà, việc sơ chế là vô cùng quan trọng. Đối với cà, cần phải ngâm rất lâu để tiết bớt chất độc trong cuống cà và làm phôi bớt lượng thuốc trừ sâu còn đọng lại. Với dưa, người dùng cần ngâm và phơi héo. Sau đó, khi nguyên liệu đã được sơ chế sạch sẽ, ta bắt đầu đưa vào muối.

Cũng theo anh Khánh, đối với hành, củ, kiệu, dưa muối, cà muối, khi mới bị mốc, nổi váng trắng, người dùng có thể hớt bỏ váng, rửa sạch bằng nước ấm để ăn. Trong trường hợp dưa cà nổi váng vàng, nấm đen, tức là đã xuất hiên loại vi nấm độc hại (thông thường là nấm aspergillus). Theo nguyên cứu của các nhà khoa học, vi nấm này có thể sản sinh ra loại độc tố có tên Aflatoxin gây bệnh ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim phổi và sản sinh ra một số chất độc hại khác.

Việc ăn dưa cà mới sớm quá (dưa sổi) cũng không tốt. Khi đó, dưa cà vẫn còn cay, hăng và chưa chua. Nguyên nhân là do khi mới lên men, dưa cà có thể phát sinh vi khuẩn gây hại. Dưa sổi chưa có đủ tính axit để diệt loại vi khuẩn này. Đồng thời khi mới muối, cải, hành, cà thường có sự biến đổi nitrat tồn dư trong rau củ do được bón phân ure hoặc do hút từ đất có nitrat cao thành nitrit. Nitrit gây hại cho cơ thể và chúng đặc biệt có nhiều trong dưa khi trong ba ngày đầu. Những ngày sau, khi dưa chín vàng, lượng nitrit sẽ giảm xuống.

Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng loại thực phẩm này để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục