Hồng sâm và tác dụng tăng cường miễn dịch ở bệnh nhân phẫu thuật ung thư dạ dày

P.V, icon
08:00 ngày 18/12/2019

VTV.vn - Ở Hàn Quốc, nhiều người tin rằng hồng sâm có thể làm tăng khả năng điều trị ung thư thông thường và sử dụng hồng sâm như một loại thuốc bổ sung cho bệnh nhân ung thư.

Ung thư dạ dày là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư ở Hàn Quốc. Mặc dù có các chiến lược điều trị đa dạng, việc kiểm soát ung thư dạ dày ở giai đoạn tiến triển vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Phẫu thuật, Đại học Y khoa Hàn Quốc. 49 bệnh nhân mắc ung thư biểu mô giai đoạn III đã được phẫu thuật cắt bỏ dạ dày và nạo vét hạch bạch huyết bởi cùng một bác sĩ phẫu thuật đã tham gia vào nghiên cứu này. 

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tiềm năng tác dụng của hồng sâm đối với miễn dịch vật chủ sau phẫu thuật và sống sót trong trường hợp ung thư dạ dày tiến triển. Các tác giả nghiên cứu tập hợp tế bào lympho T và tỷ lệ sống còn sau khi ăn hồng sâm với các bệnh nhân mắc ung thư dạ dày giai đoạn III đã được phẫu thuật cắt bỏ dạ dày và nạo vét hạch bạch huyết.

Loại sâm được sử dụng trong nghiên cứu này là Panax ginseng, CA Meyer (nhân sâm Hàn Quốc), được trồng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Mặc dù vẫn chưa biết thành phần nào của nhân sâm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tác dụng phòng ngừa của nhân sâm chống lại bệnh ung thư đã được quan sát thấy ở hầu hết tất cả các loại sản phẩm nhân sâm, bao gồm chiết xuất nhân sâm tươi, chiết xuất bạch sâm và bột bạch sâm, và các sản phẩm hồng sâm.

Trong nghiên cứu này, liều dùng của bột hồng sâm là 4,5 g/ngày do liều hồng sâm nghiền thực nghiệm trong y học cổ truyền là 3 - 6 g/ngày. Nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm và tỷ lệ sống sót không bệnh là cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân dùng bột hồng sâm trong quá trình hóa trị sau khi phẫu thuật. 

Nghiên cứu này là nghiên cứu tiền lâm sàng đầu tiên đánh giá tác động của hồng sâm tới bệnh ung thư dạ dày tiến triển, mặc dù số lượng bệnh nhân được thực nghiệm là nhỏ để đánh giá đầy đủ các tác dụng điều trị của nhân sâm đối với miễn dịch sau phẫu thuật và khả năng sống sót. Mặc dù vậy, kết quả thu được gợi ý rằng bột hồng sâm có thể giúp cải thiện khả năng sống sót sau phẫu thuật ở bệnh nhân mắc ung thư dạ dày giai đoạn III. 

Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng bột hồng sâm có thể có một số tính chất điều hòa miễn dịch ở bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển trong quá trình hóa trị sau phẫu thuật. Trong tương lai, các nghiên cứu xa hơn cần cỡ mẫu lớn hơn để có thể đánh giá đầy đủ tác dụng chống ung thư của nhân sâm, Đồng thời có thể thiết lập cơ chế hoạt động cũng như xác định  được các thành phần hoạt động liên quan tới hoạt tính chống ung thư và điều hòa miễn dịch ở bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục