Loãng xương - Căn bệnh thầm lặng

Vũ Nhi, icon
07:06 ngày 02/06/2020

VTV.vn - Quá trình loãng xương diễn ra âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu, người bệnh không biết mình bị loãng xương cho đến khi bị xẹp xương, gãy xương.

Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương, đặc trưng bởi sự giảm mật độ xương và chất lượng xương, xương bị giảm sức mạnh trở nên yếu, giòn chỉ cần ngã hoặc va chạm nhẹ cũng có thể dẫn tới gãy xương.

Phần lớn, bệnh loãng xương sẽ làm cho xương dễ gãy hơn bình thường, đặc biệt là các vị trí cột sống, khớp háng, cổ xương đùi, cổ tay. Gãy xương gây ra biến dạng cơ thể, đau đớn, mất khả năng vận động, giảm tuổi thọ, giảm chất lượng cuộc sống và tăng gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Người bệnh không thể đi lại và phải sống phụ thuộc vào người khác.

Loãng xương là bệnh thường gặp ở người cao tuổi; phụ nữ sau mãn kinh, mãn kinh sớm trước 45 tuổi, phụ nữ gầy có nguy cơ bị loãng xương cao hơn; người đã từng bị gãy xương; chế độ ăn ít hoặc thiếu vitamin D.

Bên cạnh đó, người mắc các bệnh như: bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận…; người ít vận động thể lực, nằm bất động lâu ngày; dùng một số loại thuốc kéo dài: thuốc corticoid, heparin cũng dễ bị loãng xương.

Để phòng bệnh loãng xương, cần lưu ý ăn khẩu phần đầy đủ canxi và vitamin D; thường xuyên vận động, tập thể lực ngoài trời, không hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, tránh để bị ngã; đo mật độ xương định kỳ 6 tháng/lần để đánh giá tình trạng loãng xương, đặc biệt ở nữ trên 45 tuổi, nam trên 50 tuổi...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục