Lượng máu được hiến chưa đạt ngưỡng an toàn truyền máu quốc gia

Minh Đức, icon
12:15 ngày 03/11/2015

VTV.vn - Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết lượng máu dự kiến tiếp nhận trong năm nay chưa đạt ngưỡng tối thiểu đảm bảo an toàn truyền máu.

Cuộc phát động hiến máu nhân đạo đã lan tỏa tại khắp các địa bàn quận huyện trên cả nước. Những chiến dịch đỏ này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi hiến máu khi ngân hàng máu đang thiếu hai nhóm máu A và O trầm trọng. Phóng viên VTV News đã có cuộc trò chuyện với Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương Hà Nội, ông Nguyễn Anh Trí về nguyên nhân và tình trạng thiếu máu của bệnh viện.

Xin ông cho biết tình hình thiếu máu hiện nay tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương?

- Đây là lần thứ 2 trong năm Viện Huyết học Truyền máu trung ương lâm vào tình trạng thiếu máu. Lần đầu diễn ra vào tháng 6, và lần này diễn ra từ tháng 9 đến nay. Hiện tại, lượng máu vẫn đang thiếu nhưng nhờ sự hiến máu tích cực từ cộng đồng, lượng máu thiếu đã được bổ sung phần nào. Hiện ngân hàng máu của Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đang cung cấp máu cho 132 bệnh viện của 16 tỉnh thành phía Bắc và Hà Nội. Bất cứ bệnh viện nào thiếu máu, chúng tôi đều bổ sung kịp thời, đây cũng là trách nhiệm của Viện Huyết học – Truyền máu trung ương.


Các bệnh nhi đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu trung ương cần máu để duy trì sự sống từng ngày

Các bệnh nhi đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu trung ương cần máu để duy trì sự sống từng ngày

Tình hình thiếu máu sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của bệnh viện?

- Hiện Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đang tiếp nhận 1.000 bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo cần máu, ngày nào cũng phải truyền máu như ung thư, tan máu bẩm sinh… Trong đó, riêng khoa bệnh máu trẻ em đang có hơn 240 bệnh nhi điều trị nội trú và hàng ngàn trẻ điều trị ngoại trú. Lúc trước, bệnh viện chưa tách ra khỏi viện Bạch Mai nên không có khoa dành cho trẻ em. Khi tách ra, chúng tôi thành lập khoa bệnh máu trẻ em, lượng lớn các bệnh nhi mắc bệnh về máu từ các viện khác đổ về rất nhiều nên rất cần máu. Với số lượng lớn người cần máu như vậy, số máu hiến vào liên tục là điều cần thiết để cứu sống họ.

Ngoài ra, nhiều trường hợp phẫu thuật tim, não, phổi thì lượng máu cần sử dụng là nhiều vô kể. Đặc biệt là ghép tạng thì số máu cần dùng cho mỗi ca rất lớn. Ví dụ như ghép gan thì cần đến 80 lít máu tức là 240 đơn vị máu, một ca ghép tủy có thể cần đến 100 đơn vị máu. Hiện nay, việc ghép tạng đã trở thành phương pháp điều trị được nhiều bệnh viện thực hiện, vậy nên việc thiếu máu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng của nhiều người bệnh.

Nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng thiếu máu như hiện này?

- Tình trạng máu thiếu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan như việc dân số gia tăng nhanh hơn lượng máu được tiếp nhận, tai nạn giao thông cùng các bệnh ác tính hiểm nghèo cũng liên tục tăng lên. Ví dụ như ung thư hay sốt xuất huyết đều cần có máu để điều trị. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là dù phong trào hiến máu phát triển rất tốt nhưng lượng máu nhận vào vẫn chưa đạt được ngưỡng lượng máu tối thiểu.

Xin ông nói rõ hơn về việc lượng máu được hiến chưa đạt được ngưỡng máu tổi thiểu?

- Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu của một quốc gia thì lượng máu tiếp nhận được tối thiểu phải bằng 2,5% dân số. Như vậy, theo dân số của nước ta, ước tính lượng máu tổi thiểu để đảm bảo an toàn truyền máu là 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng hiện tại ngưỡng máu mà chúng tôi dự kiến tiếp nhận trong năm nay là khoảng 1,2 triệu đơn vị máu. Sau nhiều năm, dù tình hình hiến máu như vậy là phát triển vượt bậc rồi nhưng vẫn chưa đạt được con số tối thiểu để phục vụ nhu cầu của người bệnh.

Hiện nay, hai nhóm máu là A và O đang trong tình trạng thiếu. Nhóm máu O là nhóm máu phổ thông về cơ bản là đã đủ nhưng nhóm máu này có thể sử dụng cho các nhóm khác. Vậy nên trong nhiều trường hợp vẫn dùng nhóm máu O cho các các nhóm máu khác, dẫn đến tình trạng thiếu. Còn về nhóm máu A, đây là nhóm máu được thu nhận ít nhất, đây là hiện tượng mất cân đổi nhóm máu tại các trung tâm truyền máu. Điều này là xu hướng tất yếu trong phong trào hiến máu nhân đạo. Nước ta chưa đạt được đến mức sàn máu tối thiểu nên tình trạng mất cân bằng này sẽ xảy ra nhiều lần cho đến khi nào đạt được 2,5% dân số cả nước.


Phong trào hiến máu nhân đạo phát triển mạnh mẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực

Phong trào hiến máu nhân đạo phát triển mạnh mẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực

Ông nhận xét thế nào về việc phong trào hiến máu nhân đạo trong thời gian gần đây?

- Từ năm 1993 đến nay, phong trào hiến máu nhân đạo đã phát triển rất mạnh mẽ, đây là tín hiệu rất tốt và đáng hoan nghênh. Tôi nhận thấy sau hơn 20 năm, số lượng đơn vị máu được tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện đã tăng gấp 10 lần so với thời kì đầu. Với tốc độ này, mong rằng tình trạng ngân hàng máu bị thiếu máu sẽ mau kết thúc và sớm đạt được lượng máu đảm bảo an toàn truyền máu quốc gia.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục