Mùa hè - đề phòng ngộ độc thực phẩm

P.V, icon
07:34 ngày 05/06/2019

VTV.vn - Mùa hè với thời tiết nắng nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển, là thời điểm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Hình minh họa.

Mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc người dân lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm, trong môi trường bình thường bên ngoài là thói quen chưa tốt. Khi để thực phẩm quá lâu trong môi trường, nhất là khi nhiệt độ nắng nóng dễ khiến thực phẩm bị phân hủy, vi khuẩn xâm nhập. Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần che đậy bảo quản cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...). Nếu để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: trong các thực phẩm kém chất lượng thường xuất hiện 7 loại vi khuẩn. Những loại vi khuẩn này khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả... Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người sử dụng vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thức ăn, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện "ăn chín, uống sôi". Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, giữ gìn đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Ngoài ra, cần lưu ý, tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Do đó, người dân chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một thời gian nhất định. Với thực phẩm tươi sống như thịt chỉ bảo quản 3 - 5 ngày, đối với cá là 3 ngày.

Đồng thời, cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống; rau quả tươi phải được rửa sạch, để ráo nước mới được cho vào tủ lạnh. Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín. Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh phải được đun sôi lại trước khi dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục