Nghiên cứu tế bào gốc của Việt Nam bước đầu có kết quả

Kim Hải - Chí Trung (Ban Thời sự), icon
08:02 ngày 02/05/2017

VTV.vn - Hiện tại, các chuyên gia cũng đang tiếp tục nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu có kết quả tốt.

Cách đây 10 năm, một công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được khởi động, nhằm mục đích nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người. Công trình thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành tại các bệnh viện và trung tâm nghiên cứu y học lớn trong cả nước.

Kể từ đó đến nay, việc nghiên cứu tế bào gốc để ứng dụng vào điều trị bệnh tại Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, với hi vọng sẽ tìm ra những phương pháp mới giúp các bệnh nhân chữa khỏi những loại bệnh phức tạp mà không phải ra nước ngoài điều trị.

Việt Nam lần đầu tiên thực hiện ca cấy ghép tế bào gốc tạo máu vào năm 1995 tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM; tiếp sau đó, tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị Ung thư bạch cầu dòng tủy, bỏng.

Đến năm 2007, đề tài: "Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người" bắt đầu được khởi động và hoàn thành vào năm 2010. Ngay sau khi hoàn thành, công trình này được trao giải thưởng Bảo Sơn do Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GD & ĐT và Tập đoàn Bảo Sơn tổ chức. Ngoài việc áp dụng kết quả công trình vào điều trị thực tế, các chuyên gia tiếp tục các hướng nghiên cứu mới.

PGS.TS Nguyễn Thị Bình và nhóm cộng sự tại Bộ môn Mô phôi, trường ĐH Y Hà Nội tiếp tục nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu, với tỉ lệ thành công từ 70-80%.

Hiện tại, các chuyên gia cũng đang tiếp tục nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu có kết quả tốt.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục