Người bệnh suy tim nên ăn uống như thế nào?

Tuấn Bảo, icon
08:59 ngày 23/10/2018

VTV.vn - Suy tim chia làm 4 giai đoạn, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim cũng cần được thiết lập phù hợp với từng giai đoạn, góp phần kiểm soát tình trạng bệnh.

Hình minh họa (Ảnh: heart)

Suy tim là tình trạng cơ tim không còn đủ sức co bóp tống máu để bơm đủ máu đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Đây là hậu quả cuối cùng của các bệnh về tim, động mạch, các bệnh toàn thân.

Triệu chứng suy tim: ho, khó thở, đau tức vùng hạ sườn phải; gan to, tĩnh mạch cổ nổi; tím da và niêm mạc, phù, đái ít; khi khám tim: nhịp tim nhanh, tiếng tim bất thường.

Các nguyên nhân gây suy tim

- Bệnh lý mạch vành.

- Bệnh tim do tăng huyết áp.

- Bệnh van tim.

- Bệnh cơ tim: bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế.

- Bệnh tim bẩm sinh.

Theo bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM), chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị bệnh. Để có một thực đơn khoa học, đủ chất, người bệnh cần lưu ý những nguyên tắc chung:

Hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri

- Muối và các thực phẩm giàu Natri chính là kẻ thù số 1 của bệnh nhân suy tim.

- Ăn nhiều muối sẽ làm tăng giữ nước, ảnh hưởng xấu đến tình trạng suy tim.

- Thực đơn ít muối giúp bạn kiểm soát huyết áp, tránh phù nề, cải thiện tình trạng khó thở.

- Lượng natri trong mỗi bữa ăn không quá 2.000mg, và tốt nhất là dưới 1500mg.

- Những bệnh nhân suy tim nặng cần loại bỏ muối hoàn toàn.

Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ

- Những thực phẩm giàu chất xơ chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, có lợi cho sức khỏe tim mạch.

- Khẩu phần ăn nên cung cấp đủ 25-35 chất xơ mỗi ngày, để hỗ trợ tiêu hóa hóa tốt, vừa góp phần kiểm soát lượng đường cholesterol trong máu.

- Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh, ngữ cốc, trái cây tươi…

Cân bằng lượng kali trong khẩu phần ăn

- Khoáng chất quan trọng nhất để duy trì hoạt động của tim chính là kali.

- Trong quá trình điều trị, bệnh nhân suy tim thường sử dụng thuốc lợi tiểu nên sẽ làm giảm đáng kể lượng kali trong cơ thể. Vì vậy, có thể bổ sung khoáng chất này thông qua chuối, bông cải xanh, bơ.

Hạn chế chất béo và thực phẩm sinh hơi

- Nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạnh, làm gia tăng các loại bệnh tim mạch là chất béo.

- Hạn chế các loại thịt đỏ, mỡ, thức ăn nhanh, các món chiên, xào, rán,… nên ăn cá, thịt nạc và ưu tiên các món luộc, hấp.

- Người bệnh cũng nên tránh sử dụng những thực phẩm sinh hơi như trứng, đậu và thức ăn lên men.

Kiểm soát lượng nước

- Khi tim hoạt động không tốt, lượng nước nạp vào cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị giữ lại, gây nên tình trạng phù nề.

- Người bệnh suy tim nên giảm uống nước khi gặp triệu chứng khó thở, phù.

- Bệnh nhân nên uống tối đa 1 lít/ngày và tốt nhất chỉ nên uống khi thấy khát. Lượng nước uống ngoài bữa ăn phải bằng số lượng nước tiểu trong 24h cộng thêm 300 ml.

Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá

Rượu, đồ uống có cồn, cà phê có chứa các chất ức chế thần kinh sẽ gây hại trực tiếp lên cơ tim khiến cho tình trạng bệnh sẽ ngày càng diễn biến xấu đi.

Thuốc lá chứa nicotin gây kích thích bài tiết epinephrine vào máu khiến tim làm việc mạnh hơn. Từ đó, mạch máu co nhanh gây tăng huyết áp, trương động mạch, tạo cảm giác khó thở, tức ngực, đau ngực cho người bệnh tim.

Suy tim là căn bệnh mạn tính, càng lớn tuổi bệnh sẽ càng nặng. Người mắc bệnh suy tim hầu như phải sử dụng thuốc cả đời. Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ Nguyễn Chí Hùng khuyên bệnh nhân nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho người suy tim để góp phần kiểm soát tình trạng bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục