Nguy cơ các bệnh tim mạch do nhiễm độc kim loại nặng

Nguyễn Mai, icon
07:31 ngày 08/09/2018

VTV.vn - Các nhà khoa học vừa phát hiện rằng: việc tiếp xúc với asen, chì, đồng hoặc cadmium - thậm chí ở mức thấp - có liên quan đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ nguồn nước và thực phẩm nhiễm kim loại nặng

Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề phơi nhiễm kim loại nặng, thường xuất hiện do môi trường sống bị ô nhiễm hoặc nhiễm bệnh do đặc thù công việc. 

Phân tích này được công bố trên Tạp chí The BMJ.

Kim loại nặng xuất hiện tự nhiên trong môi trường và có thể đi vào nguồn nước uống và chuỗi thức ăn. Cả asen và cadmium đều được biết là chất gây ung thư, có nghĩa là tiếp xúc lâu dài với những kim loại này làm tăng nguy cơ ung thư của một người. Trong khi đó, việc tiếp xúc với chì có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm hệ thống thần kinh và thận, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp thông tin từ 37 nghiên cứu trước đây về phơi nhiễm kim loại nặng liên quan đến gần 350.000 người ở hơn 10 quốc gia. Những nghiên cứu này đánh giá sự tiếp xúc với kim loại nặng thông qua nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả việc kiểm tra mức độ nhiễm kim loại nặng trong nước uống; mẫu nước tiểu và máu; xét nghiệm mẫu móng chân hoặc tóc.

Nhìn chung, những người có mức độ tiếp xúc với asen, chì, cadmium và đồng cao hơn có khả năng mắc bệnh tim mạch cao hơn từ 30 đến 80%, so với những người có phơi nhiễm thấp hơn.

Asen, chì, cadmium và đồng đều có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, trong khi phơi nhiễm chì và cadmium làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo: thuốc lá điện tử cũng là một nguồn tiếp xúc kim loại nặng mà người dùng không để ý. Kim loại nặng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử chủ yếu là do thành phần làm nên lò xo đốt của loại mặt hàng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục