Nhiễm độc chì và những biểu hiện mà nhiều người ngó lơ

Thủy Nguyễn, icon
05:39 ngày 09/10/2016

VTV.vn -Hiện nay ngộ độc chì vẫn đang xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nguyên nhân phổ biến là do sử dụng thuốc cam có chứa chì và việc sản xuất, tái chế bình ắc quy không an toàn.

Trao đổi với VTV News, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm độc chì với các nguyên nhân khác nhau. Với trẻ em bị nhiễm độc chì là do sử dụng các loại thuốc cam có chứa chì, với người lớn làm việc trong các môi trường hoàn cảnh ô nhiễm có chứa chì cao, đất, nước ô nhiễm như tái chế ắc quy cũ, khai khoáng quặng không an toàn là những nguyên nhân dẫn tới nhiễm độc chì phổ biến hiện nay.

"Thời gian qua, có nhiều loại thuốc cam, thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, lưu hành bất hợp pháp, đã cho chì vào, khi sử dụng sẽ vô cùng có hại cho sức khỏe, và đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em tại các tỉnh miền Bắc. Với những người làm việc trong môi trường, hoàn cảnh chứa nhiều chì, cần phải đảm bảo an toàn lao động, theo dõi chặt chẽ để chì không xâm nhập, gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, hạn chế khả năng nhiễm độc chì" - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết ở khâu thu gom bình ắc quy cũ nếu không được đảm bảo sẽ dẫn tới việc chì ngấm, thấm, phát tán ra môi trường xung quanh, khi ở dạng bụi có thể vào nguồn nước gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn, hít phải sẽ dẫn tới ngộ độc chì. Bên cạnh đó, khâu tái chế chì cũng rất phổ biến hiện nay, nếu không đảm bảo an toàn, sẽ làm ô nhiễm và những người sống trong môi trường đó có nguy cơ bị nhiễm độc rất cao.

"Biểu hiện nhiễm độc chì rất khác nhau, một số bệnh nhân có biểu hiện rõ ràng như thiếu máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, co giật, tuy nhiên đại đa số các bệnh nhân đều có triệu chứng kín đáo, nhẹ, và chỉ cho tới khi nghĩ tới việc nhiễm độc chì do có tiếp xúc với môi trường tái chế ắc quy, tiếp xúc với các nguồn chì khác nhau thì mới chủ động đi khám" - Bs Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Khi sống trong môi trường bị nhiễm chì, mức độ tiếp nhận chì vào trong cơ thể của trẻ em cao hơn rất nhiều so với người lớn. Bs Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bị nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ, lượng chì máu càng tăng sẽ càng làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ. Ngoài ra, theo Trung tâm Chống độc, chì vào cơ thể qua các đường sau:

Qua đường hô hấp: do hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì, trẻ em tiếp xúc với các chất độc trong khí thở nhiều hơn so với người lớn.

Qua đường tiêu hóa: qua ăn, uống, do không vệ sinh tay trước khi ăn uống, đưa tay lên miệng hoặc ngậm, mút các đồ vật có chì.

Qua da: tuy kém hơn so với đường hô hấp và tiêu hóa nhưng vẫn gây ngộ độc, đặc biệt khi tiếp xúc kéo dài.

Qua nhau thai: chì qua nhau thai nên mẹ bị ngộ độc chì thì con cũng bị ngộ độc. Nồng độ chì trong máu của con bằng 80% nồng độ chì trong máu mẹ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục