Những biến chứng chết người của bệnh bạch hầu

Theo VOV, icon
06:00 ngày 15/07/2016

VTV.vn - Bệnh bạch hầu có những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Bệnh có thể qua khỏi hoặc tử vong với những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Bệnh nhân nhiễm bạch hầu. (Ảnh: VOV)

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 - 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp sẽ dễ bị bệnh hơn.

Dịch bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bị lây nhiễm. Vi khuẩn bạch hầu thường gặp nhất ở bệnh viêm họng. Viêm họng tạo màng giả trong vòm họng. Khi ho, hắt hơi,vi khuẩn sẽ phát tán ra xung quanh theo đường không khí hoặc tiếp xúc qua da khi bị trầy xước dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Bệnh có thể lây truyền truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.

Bệnh bạch hầu thường gặp những triệu chứng điển hình như: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, sẽ xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Trường hợp bệnh nặng, sẽ không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.

Người mắc bệnh bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây ra viêm họng, nóng, sốt. Nguy hiểm hơn, độc tố vi khuẩn sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.

Cách phòng tránh

Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra, cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.

Cách phòng bệnh tốt nhất là niên tiêm vaccine cho trẻ. Trẻ nên tiêm vaccine 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau 1 tháng, sau đó 1 năm sau nhắc lại và sau 5 năm nhắc lại một lần nữa.

Đối với bệnh bạch hầu, sau khi phát hiện bệnh, để ngừa các triệu chứng độc tố của vi khuẩn, người bệnh sẽ được tiêm kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tố tác động lên tim, thận và các hệ thần kinh khác. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh như: Penicilin, Ampicilin, Erythromycin, Rifampycin, Clindamycin, Cephalosporin… (Penicilin được dùng phổ biến nhất).

Khi bị viêm họng, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để có cách điều trì phù hợp. Nếu khi khám phát hiện thấy màng giả màu trắng ở vòm họng, người bệnh nên tiêm kháng độc tố điều trị để ngăn ngừa biến chứng.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục