Những biến chứng của bệnh động mạch vành

Tuấn Bảo, icon
03:48 ngày 23/08/2018

VTV.vn - Bệnh động mạch vành là căn nguyên gây tử vong số một trong các bệnh lý tim mạch hiện nay.

Hình minh họa.

Trên thế giới, mỗi năm có 4 triệu người nhập viện vì động mạch vành, trong đó 25% tử vong ở giai đoạn cấp tính của bệnh. Căn bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Thái Tuấn Nhân, Bệnh viện đa khoa Tâm Phúc (Bình Thuận), trái tim con người giống như một cái bơm, có chức năng bơm máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo được chức năng bơm máu một cách đều đặn khoảng 70 – 80 lần/phút, bản thân trái tim cũng phải được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu riêng gọi là hệ mạch vành, trong đó quan trọng nhất là động mạch vành.

Bệnh động mạch vành là bệnh lý chỉ tình trạng lòng mạch bị hẹp lại do các mảng xơ vữa hoặc do co thắt mạch. Đến một mức độ nào đó thì dòng máu đến nuôi cơ tim sẽ không đủ và dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim. Bệnh động mạch vành còn được gọi là suy động mạch vành, thiếu máu cơ tim, thiểu năng vành hay bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Nguyên nhân gây bệnh

Hầu hết các trường hợp bệnh động mạch vành là do xơ vữa động mạch gây nên. Nguyên nhân của xơ vữa động mạch thì chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay, khi nói đến nguyên nhân của bệnh lý động mạch vành, người ta dùng khái niệm yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành.

Cũng theo bác sĩ Nhân, yếu tố nguy cơ làm khởi phát và gia tăng động mạch vành bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, stress, béo phì, đái tháo đường, tuổi cao…Nguy cơ mắc động mạch vành tăng theo tuổi và cao hơn ở nam giới, nguy cơ ở nữ gia tăng đáng kể ở độ tuổi từ 5 đến 10 năm sau mãn kinh.

Triệu chứng của bệnh

Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận biết bệnh động mạch vành đó là: cơn đau thắt ngực với cảm giác đau nhói, thắt chặt, bỏng rát, kim châm, đè nặng ngực. Vị trí đau ở sau xương ức, chính giữa tim, ngực trái lan ra vai trái, cánh tay và bàn tay trái kèm theo là hiện tượng khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, chóng mặt...

Biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của bệnh động mạch vành là nhồi máu cơ tim và đột tử. Các biến cố này thường do sự hình thành cục máu đông làm lấp tắc động mạch vành đã bị hẹp từ trước do mảng xơ vữa ở thành của động mạch vành. Ngoài ra, còn có các biến chứng khác như rối loạn nhịp tim và suy tim…

Phòng bệnh

Bệnh nhân sau khi điều trị nên tập thể dục vừa sức như đi bộ 2-3 lần/ngày, mỗi lần 20-30 phút. Kết hợp với chế độ ăn cân bằng 04 nhóm dinh dưỡng gồm tinh bột, protein, vitamin, chất khoáng và chất béo nhưng giảm các chất béo bão hòa; kiểm soát cân nặng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, uống thuốc và theo dõi sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Đối với những đối tượng có nguy cơ, cần điều trị tích cực đồng thời ngưng thuốc lá, kiểm soát huyết áp trong giới hạn bình thường, kiểm soát đường huyết tốt ở bệnh nhân đái tháo đường, kiểm tra đều cholesterol máu, chống béo phì, tập thể dục đều và hợp lý, tránh stress…

Khi có những dấu hiệu của bệnh động mạch vành như mô tả ở trên hãy đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục