Nhưng lưu ý khi bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh nền ung thư

Minh Đức, icon
05:35 ngày 26/03/2020

VTV.vn - Dù nguy cơ nhiễm cao hơn nhưng nếu không tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19 thì bệnh nhân ung thư không có gì đáng lo ngại, tiếp tục việc điều trị bình thường.

Dịch COVID-19 vẫn đang khiến toàn xã hội lo lắng bởi tính chất nguy hiểm của căn bệnh. Được biết, những người có sức khỏe yếu, mắc các bệnh mãn tính thường có biến chứng nguy hiểm khi nhiễm COVID-19, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư.

Theo nghiên cứu y khoa được công bố trên tạp chí khoa học The Lancet Oncology tháng 3/2020, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn so người bình thường. Người bệnh ung thư - đặc biệt là ung thư phổi đang hoặc vừa điều trị phẫu thuật, hóa chất khi nhiễm COVID-19 sẽ có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn hẳn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới TƯ - cho biết: Thời điểm khởi phát COVID-19, người bệnh có thể ho khan, sốt, trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Người mắc ung thư phổi vốn đã có tổn thương tại nội tạng này nên việc nhiễm thêm COVID-19 sẽ càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Theo bác sĩ, không riêng gì bệnh ung thư, người bệnh có các bệnh lý nền mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận... cũng có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn. Nếu mắc bệnh thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.

Mặc dù khả năng nhiễm bệnh cao hơn nhưng những người bệnh ung thư nếu không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19 thì không có gì đáng lo ngại, vẫn tiếp tục theo dõi và điều trị bình thường.

Hiện nay, các phương pháp dự phòng COVID-19 đối với bệnh nhân ung thư không có gì khác biệt so với người bình thường nhưng người bệnh ung thư cần lưu ý, thận trọng thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người bệnh cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch vừa điều trị bệnh ung thư vừa phòng ngừa dịch bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo tất cả những người có biểu hiện như mệt mỏi, sút cân, ho ra máu, đi ngoài ra máu, phát hiện u, cục hay nhận thấy dấu hiệu bất thường của cơ thể thì nên chủ động đến khám tầm soát ung thư. Bởi nếu vì lo lắng dịch bệnh lan rộng mà bỏ qua "thời điểm vàng" để phát hiện sớm và điều trị ung thư thì hậu quả để lại với sức khỏe còn đáng lo ngại hơn rất nhiều. Riêng với những người bệnh ung thư đã điều trị ổn định, không có dấu hiệu bất thường, đến lịch tái khám thì có thể trao đổi với bác sĩ để hẹn lùi ngày, không cần thiết phải đến khám ngay trong thời điểm cao điểm dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục