Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Tuấn Bảo, icon
10:47 ngày 28/06/2018

VTV.vn - Việc tiêm phòng không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ mà còn góp phần quan trọng giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh một cách hiệu quả.

Hình minh họa

Trong những năm gần đây, việc tiêm phòng cho trẻ được người dân rất chú trọng và có ý thức tự giác. Ngoài việc tiêm phòng các bệnh theo quy định của chương trình tiêm chủng quốc gia, nhiều bậc cha, mẹ còn đưa con em mình tiêm phòng thêm một số bệnh khác mà trong chương trình tiêm chủng mở rộng không có. Đây quả là tín hiệu đáng mừng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình đưa trẻ đi tiêm phòng đã có không ít các bậc phụ huynh lo lắng và khá lúng túng trong việc hiểu biết về các quy định trong tiêm phòng.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk: hiện nay, các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm phòng, tại các điểm tiêm đều có cán bộ tư vấn và bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng, nếu trẻ không đủ các điều kiện về sức khỏe trẻ sẽ được hoãn tiêm. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên yên tâm, không quá lo lắng về việc tiêm phòng cho trẻ.

Để việc tiêm phòng cho trẻ được an toàn, hiệu quả, bác sĩ Lào khuyến cáo: trước khi tiêm phòng, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ăn hoặc bú quá no nhưng cũng không để trẻ đói nhằm tránh tình trạng bị hạ đường huyết sau khi tiêm. Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng. Khi tiêm phòng, cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp các bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo bó chặt, ủ ấm quá nhiều.

Để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, cha mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng cho trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như: tiền sử sinh đẻ, bệnh tật, dị ứng thuốc, hóa chất và dị ứng thức ăn. Đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước, như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban …để cán bộ y tế có thể cân nhắc trước khi tiêm và hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết.

Sau khi tiêm ngừa cho trẻ: các bậc phụ huynh nên ngồi lại từ 15 đến 30 phút để theo dõi trẻ có dị ứng với thuốc không. Khi về nhà, cần tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất đến 24h sau tiêm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng. Đồng thời cha mẹ vẫn cho trẻ ăn uống, tắm rửa như thường lệ.

Chỗ tiêm của trẻ có thể bị sưng đỏ nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng lo lắng. Nên chườm mát cho trẻ nơi tiêm, không được chườm nóng, giúp giảm đau cho trẻ. Cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, bú mẹ nhiều hơn và mặc đồ thoáng mát.

Khi trẻ sốt cao, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt dự phòng ngay sau khi trẻ vừa được tiêm phòng vì làm như vậy là hoàn toàn không có lợi và đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Tuyệt đối không nên đắp bất cứ vật gì, như: lòng trắng trứng, khoai tây hay miếng dán hạ sốt lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vaccine. Điều cần thiết là cha mẹ cần nhớ cho trẻ đi tiêm đúng lịch và tiêm nhắc đầy đủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục