Nỗ lực cứu sống bé 9 tháng tuổi bị bỏng 45% diện tích cơ thể

Văn Thành, icon
12:00 ngày 05/09/2020

VTV.vn - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận bé trai 9 tháng tuổi, dân tộc Mông, trú tại xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Theo bố bệnh nhi chia sẻ, do bất cẩn để nồi nước sôi trên bàn, lại không có người lớn để ý, bé với tay lên nồi nước sôi và bị đổ nước lên người. Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bé đến ngay Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát. Tại đây, cháu được cấp cứu bằng truyền dịch giảm đau, an thần sau đó chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai để điều trị.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, bỏng nước sôi toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ, nửa người trước, sau, 2 đùi, mông, trợt da, phỏng nước, chảy dịch nhiều…

Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm cơ bản, các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhi bị bỏng nước sôi độ II, III, diện tích 45% giai đoạn sốc bỏng. Với bệnh nhi này, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sốc do đau, mất nước nặng do mất dịch, suy đa tạng và dẫn đến tử vong.

Bệnh nhi được tiến hành hồi sức tích cực, chống sốc, giảm đau, kết hợp điều trị tích cực những phần da, niêm mạc bị tổn thương, hoại tử. Do bệnh nhi bị bỏng toàn bộ vùng mặt, mắt và cả trong miệng nên vấn đề điều trị và chăm sóc càng trở nên phức tạp hơn, vệ sinh mắt hàng ngày và đặt sonde dạ dày cho ăn 3h/lần, thay băng bỏng 1 lần/ngày. Thuốc điều trị: 3 loại kháng sinh phối hợp, bù nước và điện giải điều trị tổn thương da, vệ sinh tại chỗ kết hợp với một chế độ chăm sóc đặc biệt tuyệt đối vô khuẩn.

Sau gần 20 ngày điều trị tích cực, hiện tại bệnh nhi đã qua khỏi cơn nguy kịch và đang dần dần hồi phục, vùng da tổn thương đã khô, bong vảy và đang lên da non, tự ăn uống được.

Bác sĩ Vũ Thị Hải Yến, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây bỏng có nhiều loại, trong đó nước sôi là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ bỏng nhất, ngoài ra còn có thể bỏng do dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện... Tổn thương bỏng rất đa dạng. Bỏng có thể ở vị trí cánh cẳng tay hoặc bàn tay ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

Ngoài ra, các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc các bộ phận khác cũng gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Ở trẻ em, hiện tượng bỏng xảy ra nhiều hơn do trẻ em chưa có ý thức việc phòng tránh hoặc chưa nhận thức được tác hại khi vui chơi bên cạnh nước sôi.

Bỏng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tâm lý, thẩm mĩ của trẻ trong cuộc sống hiện tại và sau này. Qua trường hợp bệnh nhi trên, các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh nên cẩn trọng khi cho các bé lại gần hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây bỏng. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi bị bỏng, không tự xử trí hoặc bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng khi chưa có sự tư vấn của thầy thuốc.

Quảng Ninh: Trẻ bỏng nặng vì ngã vào chậu nước sôi Quảng Ninh: Trẻ bỏng nặng vì ngã vào chậu nước sôi

VTV.vn - Do sự bất cẩn của người lớn khi lấy nước tắm cho trẻ, đổ nước sôi vào chậu trước khi đổ nước lạnh, trẻ hiếu động đã ngã vào chậu nước gây bỏng nhiều chỗ trên cơ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục