Phẫu thuật nâng ngực - Một số điều cần biết

Linh Chi, icon
01:24 ngày 15/09/2020

VTV.vn - Bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn sở hữu một vòng 1 căng tròn, quyến rũ nhưng không phải ai cũng có được vẻ đẹp tự nhiên này nên nhiều người lựa chọn nâng ngực.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, giống như các thủ thuật xâm lấn khác, phẫu thuật nâng ngực cũng có những nguy cơ nhất định. Vì vậy, lựa chọn được phương pháp phù hợp, cơ sở uy tín là một yếu tố quan trọng.

Phẫu thuật nâng ngực là phẫu thuật đặt các loại vật liệu độn vào vùng ngực nhằm mục đích làm tăng kích thước, thay đổi hình dạng vùng ngực và tăng sự cảm nhận giới tính của phụ nữ.

Chỉ định cho phẫu thuật nâng ngực

Đặt túi ngực cho mục đích thẩm mỹ trong những trường hợp sau:

- Phụ nữ trưởng thành có ngực không phát triển hoặc teo nhỏ sau khi sinh.

- Phụ nữ trưởng thành có tình trạng tâm lý bình thường muốn cải thiện về kích thước, hình dạng của ngực.

- Tái tạo ngực cho những người đã phải cắt ngực vì ung thư hay các lý do khác.

Các loại túi ngực

Có thể phân loại các loại túi dùng nâng ngực làm ba loại:

- Túi ngực chứa nước muối sinh lý.

- Túi ngực chứa silicon dang gel.

- Túi ngực chứa các loại chất liệu khác: dầu đậu nành, polypropylene… mà ngày nay không con dùng nữa.

Các đường nâng ngực

- Dưới nếp vú (inframammary fold-IMF): đây là đường mổ rất thuận lợi cho bóc tách tạo ổ túi ngực và đặt túi. Đường mổ này rất phù hợp cho đặt túi silicon gel. Thường được sử dụng. Nhược điểm của đường mổ này là sẹo có thể rõ trong một số trường hợp sẹo lồi.

- Quầng vú (periareolar): đường rạch mổ sẽ trùng với biên giới quầng vú và da thường (thương dài khoảng 1/2 quầng vú) do đó sẽ che khuất sẹo lẫn vào màu sẫm của quầng vú. Phù hợp tốt với những trường hợp vú chảy xệ mức độ thấp, kết hợp với treo vú. Nhược điểm là có thể làm giảm hoặc mất cảm giác đầu vú (tạm thời hay vĩnh viễn). Không nên thực hiện với những trường hợp quầng vú nhỏ.

- Nách (Transaxillary): đường rạch mổ từ nách, từ đó bóc tách đường hầm đến vùng đặt túi, bóc tách mù hay dưới nội soi. Đường mổ này không để lại sẹo trên vùng ngực, tuy nhiên thường bóc tách phía dưới vú không đủ, gây mất cân đối trên-dưới (đặt túi cao hơn so với yêu cầu). Khi sửa chữa lại thường phải dùng đường nếp dưới vú hoặc quầng vú. Đường mổ này khó thực hiện hơn so với hai đường trên nếu không dùng nội soi.

- Rốn (transumbilical): đường mổ này rất ít dùng. Đường rạch ở vùng quanh rốn, kích thước nhỏ (khoảng 2cm)sau đó bóc tách ngược lên vùng ngực. Với đường mổ này, sẹo không nằm ở vùng ngực nhưng kỹ thuật rất khó vì thường là mổ bóc tách "mù" và cần nhiều dụng cụ phụ trợ thích hợp. Thường chỉ dùng cho đặt túi nước biển (bơm đầy sau khi đặt túi), không thích hợp cho đặt túi silicone.

Quy trình thực hiện

Phẫu thuật tạo hình nâng ngực là phẫu thuật cần được thực hiện trong các bệnh viện theo quy định của Bộ y tế, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho cuộc phẫu thuật.

- Bước 1: Thăm khám và tư vấn: khách hàng được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, sẽ được đánh giá mức độ thiếu tổ chức , thể tích của ngực.

- Bước 2: Kiểm tra sức khỏe: Khách hàng đồng ý thực hiện phẫu thuật sẽ được xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe toàn diện trước phẫu thuật.

- Bước 3: Thiết kế phẫu thuật: Bác sĩ sẽ đo vẽ, xác định size túi sao cho cân đối phù hợp với cơ thể.

- Bước 4: Gây mê nội khí quản: Được thực hiện bởi bác sĩ gây mê nhiều năm kinh nghiệm, cùng hệ thống máy gây mê hiện đại.

- Bước 5: Tiến hành phẫu thuật: Được phẫu thuật bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ có tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm, theo kỹ thuật đã được thống nhất trước đó với khách hàng.

- Bước 6: Chăm sóc hậu phẫu: Sau phẫu thuật, khách hàng sẽ được nghỉ ngơi tại phòng hậu phẫu, chăm sóc và thay băng hàng ngày. Cần lưu trú và theo dõi tại bệnh viện từ 3 - 5 ngày. Các bác sĩ cũng sẽ thăm khám và theo dõi thường xuyên để đảm bảo sức khỏe của bạn phục hồi, ổn định đúng lộ trình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục