Phòng bệnh viêm phổi ở người già

Kim Oanh, Đình Thi, icon
06:06 ngày 20/02/2023

VTV.vn - Ở nước ta, viêm phổi chiếm khoảng 12% các bệnh về phổi. Bệnh không chỉ phổ biến ở trẻ em mà còn hay gặp ở người cao tuổi, bệnh gia tăng khi trời trở lạnh.

Bệnh nhân viêm phổi điều trị tại Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bà N.T.L. (84 tuổi, trú tại xã Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do bị viêm phổi trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, thở nhanh, đờm nhiều. Anh Nguyễn Trọng Võ, con trai bà L. cho biết: Bà bị viêm phổi đã hơn 20 năm nay nhưng mỗi khi thời tiết lạnh thì cơn ho, khó thở lại tăng lên và vừa rồi bà bị hôn mê sâu.

Trường hợp khác là ông N.V.T. (74 tuổi trú tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) bị bệnh đái tháo đường biến chứng qua viêm phổi, thận gắn liền với ông suốt 30 năm qua. Vẫn sử dụng thuốc đều đặn hàng ngày nhưng sau Tết, ông ho sốt, ho khò khè, khó thở diễn ra nhiều hơn nên gia đình cho ông nhập viện điều trị.

BSCKI. Võ Thị Diệu Hà, Khoa Lão, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Viêm phổi ở người cao tuổi có đặc điểm là âm thầm không rầm rộ. Người bệnh chỉ hơi tăng nhiệt độ, ho ít, nhẹ, khạc đờm không nhiều; thở nhanh, thở gấp hơn bình thường: Đau tức ngực nhất là khi thở sâu hay ho. Ngoài ra, còn xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, ra nhiều mồ hôi, da tái nhợt, ăn không ngon miệng, mệt mỏi. Đặc biệt là ở người cao tuổi, khi bị viêm phổi thường xuất hiện tình trạng tinh thần suy giảm một cách bất thường có thể lú lẫn, rối loạn tâm thần…

Tại Khoa Lao, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bình quân mỗi ngày khám và điều trị 8 đến 10 trường hợp viêm phổi, đa số nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê sâu.

Viêm phổi ở người cao tuổi có biểu hiện không giống với người trẻ tuổi. Bệnh thường diễn biến âm thầm, ở giai đoạn đầu thường chỉ sốt nhẹ, ho nhẹ, khó chịu, thậm chí không ho… khiến nhiều người chủ quan, thường tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi tình trạng chuyển biến xấu và nặng mới đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Điều này khiến viêm phổi ở người cao tuổi dễ bị biến chứng nguy hiểm, như: biến chứng tại phổi làm bệnh nhân khó thở nhiều hơn, tím môi, mạch nhanh và có thể dẫn đến suy hô hấp cấp); biến chứng trong lồng ngực (người bệnh có thể bị sốt dai dẳng do tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim với các triệu chứng đau vùng trước tim, nghe có tiếng cọ màng tim). Không tự ý sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Bác sĩ Hà khuyến cáo: Để phòng bệnh viêm phổi, không nên để người cao tuổi bị nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột. Giữ cơ thể ấm về mùa đông, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, nhất là với người cao tuổi và trẻ em. Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tốt nhất là sống trong môi trường trong sạch, ít khói bụi. Nhà ở phải thông thoáng, về mùa lạnh phải được che kín các khe hở, nên đóng cửa để che bụi. Nằm ngủ nên đắp chăn ấm, giường ngủ nên có đệm. Mùa đông không nên tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín không có gió lùa.

Ngoài ra, người cao tuổi cần kiểm soát tốt các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, có chế độ sinh hoạt, ăn uống tốt nhằm duy trì và tăng cường sức đề kháng của cơ thể như: không hút thuốc lá, không uống rượu, nghỉ ngơi tập luyện hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi. Tiêm phòng vaccine cúm, COVID-19 cho người cao tuổi hàng năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục