Phòng các bệnh thường gặp khi trời lạnh

P.V, icon
07:05 ngày 12/12/2019

VTV.vn - Chăm sóc sức khỏe đúng cách khi trời lạnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khi thời tiết chuyển lạnh, người dân cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi đi ra ngoài. Đối với các những người mắc các bệnh lý mãn tính như: COPD, hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành… cần phải tuân thủ chế độ điều trị, ăn uống đủ chất, uống đủ nước.

Những bệnh dễ mắc khi trời rét đậm

- Bệnh đường hô hấp: viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi:

Ở trẻ nhỏ, khả năng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.

- Bệnh tim mạch: đáng lưu ý là bệnh tăng huyết áp kịch phát. Tăng huyết áp kịch phát rất dễ gây nên đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

- Bệnh xương khớp: cũng tăng cao đối với người cao tuổi, đặc biệt là các bệnh gút, đau thần kinh liên sườn, đau lưng, thắt lưng, cứng khớp gối, khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay.

Ngoài ra, các bệnh dạ dày, viêm đại tràng co thắt mỗi khi mùa lạnh đến cũng tăng nặng hơn với người cao tuổi. Ở nam giới khi bị bệnh tiền liệt tuyến càng lạnh càng đi tiểu nhiều, nhất là ban đêm gây nhiều phiền toái...

Do đó, để phòng bệnh, các bác sĩ lưu ý:

Đối với trẻ em, cần giữ ấm cơ thể đặc biệt là bàn chân, bàn tay, ngực, đầu... Cha mẹ chú ý khi trẻ chơi đùa mà toát mồ hôi cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi, vì nếu không sẽ rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi…

Đối với người cao tuổi, để đề phòng đột quỵ, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao cần kiểm tra huyết áp, bệnh tim mạch thường xuyên. Hạn chế rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đội mũ, đi tất chân, găng tay đầy đủ... Không thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tai biến do thiếu máu não.

Ngoài ra, người cao tuổi cần tuân thủ việc vận động, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý cần được thực hiện nghiêm túc giờ giấc sinh hoạt hằng ngày. Cung cấp đủ dinh dưỡng; rau quả tươi; uống các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C và uống đủ nước.

Bên cạnh đó, không chỉ trẻ em, người cao tuổi, ngay cả những người khỏe mạnh cũng không được chủ quan với sức khỏe của mình khi trời lạnh. Cần biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của mình như tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh để tránh nguy cơ bị trúng gió, cảm lạnh; Hạn chế ăn đồ ăn lạnh khiến cơ thể bị nhiễm lạnh; Tuyệt đối không đốt than củi, than tổ ong, lá cây trong phòng kín để sưởi, vì đã có nhiều trường hợp bị hôn mê, tổn thương não.

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được khám, xử trí kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục