Phòng ngừa và quản lý tiểu đường thai kỳ

Linh Chi, icon
08:00 ngày 30/04/2018

VTV.vn - Tiểu đường thai kì là một căn bệnh dễ gặp ở phụ nữ mang thai, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Hình minh họa

Theo các bác sĩ chuyên khoa, những năm gần đây, tỷ lệ tiểu đường thai kỳ cả trên thế giới lẫn tại Việt Nam đều tăng nhanh, trung bình có 16% phụ nữ mang thai trên thế giới mắc tiểu đường thai kỳ. Tại Việt Nam, con số này còn cao hơn, đến 20% (trung bình cứ 5 thai phụ thì có 1 người mắc tiểu đường thai kỳ).

Dấu hiệu nhận biết của bệnh tiểu đường thai kì là có đường trong nước tiểu, tăng cân nhanh, huyết áp tăng, nhiều nước ối hoặc thai to… Khá nhiều phụ nữ mang thai hiểu tiểu đường thai kỳ chỉ là tình trạng tạm thời và có thể tự khỏi sau khi bé chào đời nên thường bỏ qua các triệu chứng của bệnh mà không biết rằng nếu không được kiểm soát đúng cách, cả mẹ lẫn bé đều có thể gặp phải những nguy cơ tiềm ẩn. Ngược lại, một số mẹ khác lại lo lắng quá khi nhận được kết quả xét nghiệm và phát hiện mình mắc tiểu đường thai kỳ. Họ trở nên hoang mang, cố gắng kiêng cữ quá mức như giảm ăn khiến không đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

BSCKI Nguyễn Thị Hoa - Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Thai phụ không cần lo lắng quá, vì tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát tốt nếu điều chỉnh về lối sống, sinh hoạt, dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng không nên thấy đơn giản mà lơ là với vấn đề này, vì nếu không điều chỉnh, phòng ngừa từ ban đầu thì tiểu đường thai kỳ có thể gây ra những hậu quả mang tính lâu dài cho cả mẹ và em bé".

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý cho người tiểu đường thai kỳ cần đáp ứng đúng và đủ các nguyên tắc sau: ổn định đường huyết, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng, hạn chế biến chứng đặc biệt là các biến chứng liên quan đến tim mạch.

Theo bác sĩ Hoa, trong những việc cần điều chỉnh nhằm phòng ngừa và kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ thì dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng hơn cả. Nguyên tắc chung là thai phụ cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho đường huyết ở mức 5,7 - 6,1mmol/l. Với các thai phụ, năng lượng nhu cầu hàng ngày trung bình chỉ cần đáp ứng 1.800 - 2.500 calo, trong khẩu phần ăn cần giảm mỡ, giảm bột và tăng chất xơ, rau xanh và hoa quả tươi.

Các bữa ăn cần được chia làm nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng ăn quá no hay để quá đói. Giữ thói quen vận động, tập thể dục trước và trong khi mang thai, giảm cân dư thừa trước khi mang thai, không nên giảm cân trong thời kỳ mang thai vì cơ thể phải làm việc nhiều thêm để hỗ trợ sự phát triển của em bé. Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, nói chuyện với bác sĩ về kết quả của việc thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu hợp lý để có biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho cả mẹ và con.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục