Phòng tránh viêm mũi xoang khi đi bơi

Tuấn Bảo, icon
08:51 ngày 22/06/2020

VTV.vn - Bơi lội là hoạt động được yêu thích vào mùa hè. Tuy nhiên, không ít người trong số đó thường gặp các triệu chứng về viêm mũi xoang sau khi bơi.

Hình minh họa.

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có hai lý do chính xuất phát từ hồ bơi gây ra các vấn đề về mũi xoang: Bể bơi không được làm sạch hàng ngày hoặc có hàm lượng Clo rất cao.

Nước hồ bơi không sạch là nguồn nhiễm khuẩn cho hệ thống niêm mạc đường hô hấp, nhất là mũi xoang. Để làm sạch nước bể bơi, loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh, người ta phải pha thêm Clo vào trong nước bể bơi, tuy nhiên bản thân chất Clo cũng có thể gây viêm mũi xoang do sự kích ứng của niêm mạc với hoá chất.

Khởi đầu là hiện tượng kích ứng của niêm mạc mũi với Clo như ngứa mũi, cay mũi, thậm chí đau rát mũi kèm theo hắt hơi, chảy nước mũi… Nếu các kích thích này tồn tại kéo dài một đến hai tuần, các triệu chứng trên ngày càng trở nên nặng nề hơn. Và biểu hiện thành bệnh viêm mũi xoang cấp điển hình: Sốt cao 39 - 40 độ C, đau tức vùng má, trán, nhức mỏi mắt, rát mũi, ngạt tắc mũi, chảy nước mũi vàng xanh, từ hốc mũi ra cửa mũi trước hoặc xuống họng gây ho và khạc đờm.

Hiện tượng viêm xoang này xuất hiện là do niêm mạc mũi bị kích thích bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước với môi trường, giữa niêm mạc mũi với hoá chất Clo trong nước bể bơi. Từ đó, gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ thông từ xoang ra mũi, dịch và không khí ứ đọng trong xoang - đây là môi trường cho vi khuẩn hình thành, phát triển và xâm nhập vào lớp màng đáy dưới niêm mạc mũi xoang nên Clo không diệt được những loại vi khuẩn khu trú tại vị trí này.

Nếu không bơi liên tục, hiện tượng phù nề niêm mạc và bít tắc lỗ thông sẽ hết trong khoảng 3 ngày và không gây viêm. Nếu bơi thường xuyên, niêm mạc không có khoảng nghỉ sẽ dẫn tới tình trạng phù nề không hồi phục và bệnh viêm mũi xoang xuất hiện.

Ngoài bệnh lý tiếp xúc với niêm mạc mũi xoang gây viêm, tiếp xúc quá nhiều với nước có chứa Clo cũng gây ra biến chứng da, kích ứng mắt và rụng tóc.

Phòng tránh bệnh viêm mũi xoang khi bơi thế nào?

- Nên xếp lịch bơi 2 lần/tuần để niêm mạc mũi xoang có thời gian hồi phục.

- Cách bơi: giữ đầu trên mặt nước (điều này có thể gây bất tiện cho hầu hết mọi người) vì nếu đầu tiếp tục vào trong nước, thì quá trình thở bình thường có thể thu hút nước vào bên trong mũi.

Học cách tránh hít nước bể bơi vào mũi: học hít một hơi dài trước khi xuống nước, điều phối cách bơi bằng cách mỗi lần hít hơi vào đường thở là mũi đang ở trên mặt nước, bơi thay đổi tư thế nghiêng từ bên này sang bên kia.

- Sau khi bơi, tắm nước nóng và hít một số loại thuốc để làm sạch các phân tử Clo đọng trên niêm mạc mũi xoang. Điều này sẽ làm giảm đáng kể hiện tượng viêm mũi xoang.

- Tránh lên bờ đột ngột để cơ thể không bị tiếp xúc với sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước bể bơi và môi trường bên ngoài, nhất là tránh lên bờ ở chỗ gió lùa.

- Nếu có điều kiện, nên thay đổi vị trí bơi của bạn là các bãi biển chứ không phải các bể bơi. Nước biển sạch là tuyệt vời.

Trong mọi trường hợp bạn thích bơi lội thì nên tập trung vào việc hạn chế tiếp xúc với Clo trong nước để tránh kích ứng niêm mạc mũi xoang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục