Tại sao người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng?

Linh Chi, icon
02:47 ngày 26/09/2020

VTV.vn - Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu biết cách quản lý tốt, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát và làm chậm sự tiến triển đến giai đoạn nặng hơn của bệnh.

Biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh đái tháo đường có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể người bệnh. Khi đường huyết tăng thì người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng tái phát nhiều lần, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các biến chứng này sẽ để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Những nguyên nhân dễ biến chứng nhiễm trùng đái tháo đường

Người mắc bệnh đái tháo đường rất dễ bị nhiễm trùng do nồng độ đường cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Khi bị các vết trầy xước nhỏ cũng trở thành môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi. Đây là nguyên nhân khiến người mắc bệnh đái tháo đường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng.

Bệnh nhân còn có thể xảy ra các biến chứng làm ảnh hưởng tới thần kinh cảm giác. Rối loạn thần kinh cảm giác làm cho bệnh nhân chậm phát hiện các tổn thương ngoài da như khi bị vật nhọn sắc đâm vào vì thế khả năng nhiễm khuẩn càng cao.

Bệnh nhân đái tháo đường thường bị tổn thương mạch máu ngoại biên, làm giảm lưu lượng máu đến các chi nên làm giảm dinh dưỡng mô, cung cấp oxy và khả năng gắn kết phản ứng miễn dịch hiệu quả. Từ đó việc chống lại vi khuẩn gây bệnh khó khăn hơn.

Những lưu ý về nhiễm trùng đái tháo đường

- Không tự mua thuốc uống tại nhà khi bị ho sốt, khạc đàm.

- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, khám răng định kỳ.

- Đi khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nhiễm trùng.

- Không đắp thuốc nam vào chân khi bị nhiễm trùng bàn chân.

- Không tự ý cắt bỏ vết chai chân, mụn cơm, bất thường ở chân.

- Kiểm soát tốt đường huyết để hạn chế nhiễm trùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục