Tăng huyết áp - Đừng chủ quan!

icon
03:20 ngày 16/07/2013

Nhiều người thường xem nhẹ bệnh tăng huyết áp do đôi khi bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng khó lường.

Để giải đáp thắc mắc của khán giả về bệnh tăng huyết áp, chương trình Sống khỏe đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia.

Khán giả: Xin GS có thể cho biết cách để nhận biết về căn bệnh tăng huyết áp?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Muốn nhận biết bệnh tăng huyết áp, có một phương pháp hết sức dễ dàng là đo huyết áp bằng máy đo huyết áp đúng tiêu chuẩn. Khi đo huyết áp, thấy chỉ số huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg thì có thể xác định đó là tăng huyết áp.

Một số trường hợp tăng huyết áp có biểu hiện cơ năng như đau đầu, chóng mặt, mắt hơi mờ, tai nghe thấy tiếng ù ù… có trường hợp cảm thấy chông chênh muốn ngã. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh, có nhiều trường hợp tăng huyết áp và tăng huyết áp cao, con số huyết áp lớn nhưng không hề có triệu chứng cơ năng. Vì vậy, khi muốn biết được có tăng huyết áp hay không thì mỗi người cần đo huyết áp và đo huyết áp thường xuyên.

‘ Cách kiểm soát huyết áp tốt nhất là đo huyết áp thường xuyên. (Ảnh minh họa)

Khán giả: Thưa giáo sư, khi tôi tới bệnh viện khám và đo huyết áp, số đo huyết áp bao giờ cũng lớn hơn số đo huyết áp khi tôi đo ở nhà?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Đây là vấn đề mà các chuyên gia y tế đã có tổng kết và gọi là hiện tượng “áo choàng trắng”. Đối với các bác sĩ, có thể đã quen với môi trường bệnh viện, nhưng khi bệnh nhân tới khám sẽ cảm thấy không khí của bệnh viện nên hồi hộp, lo lắng hơn khi ở nhà. Chính vì yếu tố tâm lý đã khiến có sự chênh lệch giữa việc đo ở nhà với bệnh viện.

Khán giả: Tôi đi khám ở bệnh viện và bác sĩ cho biết tôi bị tăng huyết áp, tuy nhiên tôi không thấy có biểu hiện gì, nếu tôi không điều trị thì có biến chứng gì không?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Tăng huyết áp là bệnh rất phổ biến trong cộng đồng, đây là một bệnh được xem là “Kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh có rất nhiều biến chứng. Tuy nhiên, biến chứng lại đến dần dần và ngày một nặng dần. Tăng huyết áp nếu không được điều trị sẽ có những biến chứng về tim, mắt, não, thận và mạch máu lớn.

Đối với tim, dần dần các vách tim dày lên, tim sẽ bị suy, xuất hiện các cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim, sinh ra rối loạn về nhịp tim. Các biến chứng rất thường gặp là suy thận, khi bị suy thận thì bệnh tăng huyết áp cũng diễn biến khó lường. Nếu các thể tai biến mạch máu não quá nặng, các biến chứng cuối cùng thường gặp là các biến chứng não, thậm chí liệt nửa người, nặng hơn nữa là bán mê và hôn mê.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sống khỏe, để được GS. TS Nguyễn Lân Việt giải đáp thắc mắc liên quan đến bệnh tăng huyết áp.

Cùng chuyên mục